Thích Quảng Đức

tu sĩ Phật giáo người Việt Nam (1897–1963)

Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức,[1] (k. 1897 – 11 tháng 6 năm 1963) là một nhà sư Phật giáo Đại thừa người Việt Nam. Ông là người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Hòa thượng Bồ tát
Thích Quảng Đức
釋廣德
Tên khai sinhLâm Văn Tức
Pháp danhThị Thủy (是始)
Pháp tựHành Pháp (行法)
Pháp hiệuQuảng Đức (廣德)
Tên khác
  • Nguyễn Văn Khiết
  • Lâm Văn Tức
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiĐại thừa
Tông pháiThiền tông Lâm Tế đời thứ 42
Môn pháiPhái thiền Chúc Thánh đời thứ 9
Xuất gia1904
Giáo hộiGiáo hội Tăng già Việt Nam
Chức vụTrưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam
Trụ trì chùa Phước Hòa
Trụ trì chùa Quan Thế Âm
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhLâm Văn Tức
Ngày sinh1897
Nơi sinhVạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất11 tháng 6 năm 1963(1963-06-11) (65–66 tuổi)
Nơi mấtSài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
Nguyên nhântự thiêu
Giới tínhnam
Thân quyến
Lâm Hữu Ứng
Nguyễn Thị Nương
Nghề nghiệptì-kheo
Quốc tịchLiên bang Đông Dương, Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa
icon Cổng thông tin Phật giáo

Tấm ảnh chụp ông tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, một người sau được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của ông đã được hỏa táng, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là xá lợi biểu tượng của lòng từ bi, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ Tát.

Hành động của ông đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc Tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn. Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Diệm, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu.[2] Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

Hành trạng

Lâm Văn Tức sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, cha là Lâm Hữu Ứng và mẹ là Nguyễn Thị Nương. Năm lên bảy tuổi, cậu xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bản sư, vừa là cậu ruột. Cậu được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới, pháp danh Thị Thủy (是水), pháp tự Hạnh Pháp (行法), pháp hiệu Quảng Đức (廣德) nối pháp đời thứ 42 thiền tông Lâm Tế thế hệ thứ 9 của phái Chúc Thánh. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi tên là Hòn núi Đất thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, về sau ông đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc.[1]

Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Tứ tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng là nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm ở xã Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức. Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Khi trụ sở này dời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm.[1]

Bối cảnh tôn giáo

 
Điểm thờ Thích Quảng Đức tại nơi ông qua đời

Tại một đất nước mà 70-90% dân số tôn thờ đạo Phật mặc dù họ có thể vô tôn giáo chứ không phải là tín đồ chính thức của đạo Phật[3][4][5][6] trong khi Tổng thống Ngô Đình Diệm lại là con chiên của Công giáo, chính quyền đã theo đuổi những chính sách mà các nhà sử học cho là rất thiên vị. Cụ thể, chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã thiên vị Công giáo về các mặt dịch vụ công cộng cùng với các vị trí trong quân đội cũng như cắt đất, sắp đặt thương mại và giảm thuế.[7] Một lần, Tổng thống Diệm đã nói với một quan chức cấp cao của mình mà quên mất rằng (mẹ) ông ta theo đạo Phật: "Hãy đặt những cấp dưới theo đạo vào các vị trí nhạy cảm. Họ có thể tin được".[8] Nhiều sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã cải sang đạo Thiên Chúa vì nghĩ rằng viễn cảnh quân đội sẽ phụ thuộc vào tôn giáo này.[8] Thêm vào đó, vũ khí dành cho lực lượng dân quân trong ấp chiến lược chống cộng thì chỉ được phát cho những người theo đạo Thiên Chúa.[9] Một số cha xứ thậm chí còn có quyền chỉ huy quân đội riêng của mình,[10] và đã có những cưỡng bức cải đạo cũng như cướp bóc và tấn công chùa chiền tại một số khu vực trong khi chính phủ cố tình làm ngơ.[11] Một số ngôi làng mà phần đông dân cư theo Phật giáo phải cải đạo hoặc bị cưỡng ép tái định cư.[12] "Tình trạng riêng" được áp đặt đối với Phật giáo từ thời Pháp cai trị, vốn bắt buộc phải có sự cho phép chính thức từ chính quyền mới được tổ chức các hoạt động Phật giáo nơi công cộng, nay vẫn không được Tổng thống Diệm bãi bỏ.[13] Giáo dân trên thực tế là những người được miễn thuế (mặc dù không chính thức) và họ được nhận phần lớn viện trợ từ đồng minh Hoa Kỳ. Nhà thờ là những địa chủ lớn nhất cả nước và đất đai sở hữu bởi nhà thờ cũng được miễn thuế.[14] Lá cờ vàng-trắng của Vatican được treo ở nơi công cộng trong suốt các sự kiện lớn ở miền Nam Việt Nam. Năm 1959, Tổng thống Diệm cung hiến đất nước mình cho Đức mẹ Maria với niềm tôn kính Đức mẹ Maria.[15]

Sự bất bình của giới Phật tử bắt đầu nổ ra sau lệnh cấm treo cờ tôn giáo nơi công cộng ban hành đầu tháng 5 năm 1963 trước lễ Phật Đản 2 ngày trong khi chỉ vài ngày trước đó, giáo dân được cho phép treo cờ Vatican trong một buổi lễ tấn phong Tổng giám mục xứ đạo Huế của Ngô Đình Thục, anh trai Ngô Đình Diệm.

Ở Huế, ngày 7 tháng 5, trước sự phản đối của giới Phật tử, Tỉnh trưởng Huế đã đồng ý cho phép treo cờ và đèn Phật giáo, nhưng Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Miền Trung nhận định chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không từ bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo nên vẫn tiếp tục hành động đối phó chính quyền.[16] Sau đó, ngày 8 tháng 5, các Phật tử đã tụ tập và diễu cờ Phật giáo nhân dịp Phật đản năm 1963 tại đài phát thanh Huế và kéo theo đó là một vụ nổ súng. Diễn biến vụ nổ súng này được nhiều nguồn mô tả khác nhau như sau:

  • Theo giáo sư lịch sử người Mỹ Seth Jacobs thì có một đám đông Phật tử phản đối lệnh cấm, bất chấp chính phủ bằng việc diễu hành ngoài trụ sở đài phát thanh với cờ Phật giáo trên tay, kêu gọi bình đẳng tôn giáo. Các lực lượng chính quyền đã bắn vào đám đông biểu tình và làm 9 người thiệt mạng.[17]
  • Theo nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam là Nguyễn Hiền Đức, khi Phật tử tập trung tại đài phát thanh Huế để chờ nghe chương trình phát thanh lại lễ Phật đản diễn ra tại chùa Từ Đàm. Bỗng có 2 tiếng nổ lớn sau đó quân đội bắt đầu nổ súng. Có tám người thiệt mạng trong sự kiện này. Bác sĩ Erich Wulff chứng kiến sự việc tại đài phát thanh Huế và sau đó đến nhà xác quan sát các thi thể khẳng định có 5 trong 8 nạn nhân bị xe bọc thép bắn mất đầu.[16]

Phản ứng lại vụ nổ súng này, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chối bỏ trách nhiệm của chính quyền về thương vong và quy trách nhiệm cho "Việt Cộng" khiến cho sự phản kháng càng dữ dội.[17] Các lãnh đạo Phật giáo đưa ra bản yêu sách gồm các điểm:[18]

  1. Chính phủ bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo
  2. Được tự do hành đạo như Công giáo
  3. Xem xét lại dụ số 10 để không coi tôn giáo như một hiệp hội
  4. Chấm dứt khủng bố đàn áp Phật giáo
  5. Bồi thường cho các nạn nhân vụ đài phát thanh Huế và trừng trị kẻ gây đổ máu

Tự thiêu vì đạo

 
Tấm ảnh của nhà báo Malcolm Browne chụp Thích Quảng Đức tự thiêu. Một bức ảnh tương tự đã được trao "Ảnh báo chí của năm" vào năm 1963.[19]

Trong thời kỳ đấu tranh quyết liệt này, những tu sĩ Phật giáo đã chọn cách tự thiêu để phát động phong trào đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền. Theo tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang, ngày 27 tháng 5 năm 1963, Thích Quảng Đức đã viết một lá thư cho Giáo hội Tăng Già Toàn Quốc tình nguyện tự thiêu để phản đối chính quyền. Ý định này của ông đã bị Giáo hội từ chối.[20] Theo một nguồn khác, các chư tăng họp tại Chùa Ấn Quang đã quyết định để Thích Quảng Đức lãnh sứ mệnh quan trọng này.[21]

Ngày 10 tháng 6, phát ngôn viên của giới Phật tử tiết lộ cho các nhà báo Mỹ biết rằng "một cái gì đó quan trọng" sẽ xảy ra sáng hôm sau bên ngoài đại sứ quán Campuchia ở Sài Gòn.[22] Phần lớn phóng viên đều không đếm xỉa đến lời nhắn và ngày hôm sau, rất ít nhà báo xuất hiện. Trong số đó có David Halberstam của tờ New York TimesMalcolm Browne, lúc đó đang làm trưởng đại diện hãng thông tấn AP tại Sài Gòn.[22]

Thích Quảng Đức xuất hiện trong một đám diễu hành bắt đầu từ một ngôi chùa gần đó. Khoảng 350 hòa thượng và ni cô dẫn đầu bởi một chiếc Austin Westminster chia làm hai nhánh giương cao khẩu hiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Họ lên án chính quyền Ngô Đình Diệm vì chính sách kỳ thị Phật giáo và đòi bình đẳng tôn giáo.[22] Ý định tự thiêu đã xuất hiện ở một nhà sư nhưng cuối cùng Thích Quảng Đức mới là người thực hiện.[23]

Sự việc diễn ra tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt[a][22] (nay là ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám). Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác. Một người đặt một tấm nệm xuống đường còn người kia mở cabin xe và lấy ra một bình xăng dung tích 5 gallon. Vì đoàn diễu hành đang tạo thành nhiều lớp vòng tròn xung quanh mình, Thích Quảng Đức bình tĩnh ngồi thiền trên tấm đệm. Hai nhà sư cùng đi bắt đầu trút xăng lên đầu ông. Thích Quảng Đức lần tràng hạt và bắt đầu niệm: "Nam Mô A Di Đà Phật" trước khi đồng đạo châm lửa từ xa. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt ông, khói đen bốc lên từ cơ thể đang cháy bùng của ông.[22][24]

Trước lúc tự thiêu, Thích Quảng Đức tâm nguyện:[1]

Phóng viên David Halberstam viết trên tờ New York Times[25]:

Tạm dịch:
 
Xe Austin mà Thích Quảng Đức dùng để đến nơi tự thiêu nay được trưng bày tại chùa Thiên MụHuế

Cảnh sát đã cố ngăn vụ tự thiêu nhưng không thể xuyên qua được đám đông Phật tử đang vây quanh Thích Quảng Đức. Một cảnh sát phi mình vào và phủ phục trước ông nhằm tỏ lòng kính trọng.[23] Những người chứng kiến phần lớn sửng sốt trong yên lặng, số khác thì khóc và bắt đầu cầu nguyện. Nhiều nhà sư và ni cô cũng như người qua đường đã quỳ lạy trước vị hòa thượng đang cháy bừng.[23] Một nhà sư tuyên bố nhiều lần qua một micrô bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Một nhà sư đã tự thiêu. Một nhà sư đã trở thành con người tử vì đạo".[22]

Chừng 10 phút sau thì lửa tàn, Thích Quảng Đức đổ gục xuống đường. Một nhóm sư sãi đã bọc thi hài ông bằng áo cà sa vàng và đặt vào một chiếc áo quan bằng gỗ, nhưng không thể gập được tứ chi cho vừa khít. Một cánh tay của ông thò ra ngoài trong lúc áo quan được chở đến chùa Xá Lợi gần đó. Lúc 13:30, khoảng 1000 nhà sư tập trung trong chùa để họp trong khi bên ngoài, đám đông sinh viên ủng hộ Phật giáo tập trung giương biểu ngữ: "Một hòa thượng đã tự thiêu vì 5 yêu cầu của chúng tôi" và dàn thành hàng rào xung quanh ngôi chùa. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc và các nhà sư quay trở lại ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu. Khoảng 18:30, 30 ni cô và 6 nhà sư đã bị bắt vì tội tổ chức cầu nguyện trên phố bên ngoài chùa Xá Lợi. Cảnh sát lúc đó đã bao vây ngôi chùa và chặn đứng sự tiếp xúc với bên ngoài. Những người chứng kiến cảm thấy rằng một cuộc đàn áp vũ trang sắp xảy ra.[26] Chiều ngày hôm đó, hàng nghìn người dân Sài Gòn khẳng định rằng họ đã thấy ảo cảnh trên trời như khuôn mặt Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Họ cho rằng Phật tổ đang nhỏ lệ.[27]

Tang lễ

Sau vụ tự thiêu, phía Hoa Kỳ gia tăng sức ép buộc Việt Nam Cộng hòa tiếp tục thương lượng và hòa giải với phía Phật giáo. Lúc 11:30 ngày 11 tháng 6, Tổng thống Diệm triệu tập nội các để họp khẩn cấp bàn về vấn đề khủng hoảng Phật giáo. Thế nhưng sau cái chết của Thích Quảng Đức, ông đã hủy cuộc họp và gặp riêng với các bộ trưởng của mình. Đại sứ Mỹ William Trueheart đã cảnh báo Nguyễn Đình Thuận, thư ký của Diệm, rằng tình hình hiện rất nhạy cảm và đặt hy vọng Tổng thống sẽ sớm đáp ứng những yêu sách của giới Phật tử. Tại Mỹ, ngoại trưởng Dean Rusk cũng cảnh báo đại sứ quán Sài Gòn rằng Nhà Trắng sẽ công khai công bố bản yêu sách đó "tự nó sẽ không liên quan" gì đến chính quyền nếu sự việc đã không xảy ra.[28] Bản thông cáo chung có ý nhượng bộ Phật tử được ký ngày 16 tháng 6.[29]

15 tháng 6 được chọn làm ngày tổ chức lễ tang cho Thích Quảng Đức. Ngày hôm đó đã có hơn 4.000 người tập trung bên ngoài chùa Xá Lợi nhưng buổi lễ lại bị hoãn. Đến ngày 19, linh cữu của hòa thượng được chở đến một nghĩa trang cách trung tâm thành phố 16 km (10 dặm) về phía Nam để hỏa táng lại. Theo như bản thông cáo chung vừa được ký kết trước đó vài ngày trong đó có sự đồng thuận giữa các chức sắc Phật giáo và cảnh sát thì số người tham dự lễ tang được giới hạn khoảng 400 người.[29]

Trái tim xá lợi

 
Trái tim xá lợi của Thích Quảng Đức

Tuy thi hài Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại nhưng trái tim của ông thì không cháy và vẫn còn nguyên,[23][27] về sau được đặt trên một chiếc ly thủy tinh tại chùa Xá Lợi.[27] Giới Phật tử coi đây là một điều thiêng, một biểu tượng của lòng từ bi và suy tôn ông thành một vị Bồ tát.[1][30]

Đám tang chưa phải là sự kiện cuối cùng liên quan đến thi hài Thích Quảng Đức. Ngày 21 tháng 8, lực lượng đặc biệt của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tấn công chùa Xá Lợi và một vài ngôi chùa khác trên khắp cả nước. Cảnh sát mật định cướp bình đựng tro của Thích Quảng Đức nhưng hai nhà sư đã kịp trốn thoát trước đó theo lối rào sau chùa.[31] Tuy nhiên lính của ông Nhu cũng đã lấy được trái tim xá lợi.[32] Trái tim mà lực lượng quốc gia lấy được khi đó, có người cho là trái tim giả.[30]

Địa điểm được chọn làm nơi tự thiêu, trước cổng đại sứ quán Campuchia tại Sài Gòn, đã làm dấy lên những nghi vấn liệu đó chỉ là sự ngẫu nhiên hay còn có ý gì khác. Trueheart và nhân viên sứ quán cảm thấy rằng địa điểm này được chọn như để bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ Campuchia của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Campuchia lúc đó đang căng thẳng. Ngày 22 tháng 5, Sihanouk buộc tội Diệm đã bạc đãi người Việt và Phật tử thiểu số người Khmer. Tờ Thời báo Việt Nam cho in một bài viết số ra ngày 9 tháng 6 khẳng định rằng các nhà sư bên Campuchia đang đứng về phía Phật giáo để phản đối chính quyền. Tờ báo này cũng cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Campuchia nhằm mở rộng chính sách ngoại giao trung lập vào Nam Việt Nam. Floweree cho biết Tổng thống Diệm đang "háo hức và sẵn sàng trông bàn tay của Campuchia nhúng vào tất cả các hoạt động có tổ chức của Phật giáo".[33]

Phản ứng của chính quyền Ngô Đình Diệm

 
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm

Lúc 19 giờ cùng ngày Thích Quảng Đức tự thiêu, Tổng thống Ngô Đình Diệm đọc một bài diễn văn trên sóng phát thanh rằng ông "hết sức lo ngại" về vụ việc và khẩn khoản kêu gọi "đồng bào bình tâm". Ông cũng thông báo rằng tiến trình đàm phán đang tiến triển tốt. Ông Diệm cho biết chính tình hình tôn giáo căng thẳng như thế này đã làm nổi bật vai trò của thuyết nhân cách trong Thiên chúa giáo đối với các luật lệ của ông. Ngô Đình Diệm còn cho rằng những người có tư tưởng cực đoan đã bóp méo sự thật và khẳng định rằng các Phật tử có thể: "tin tưởng vào Hiến pháp, hay nói cách khác là tin tưởng ở tôi".[26]

Quân lực Việt Nam Cộng hòa hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống, bày tỏ sự đoàn kết với nhau đằng sau Ngô Đình Diệm để cô lập các sĩ quan chống đối. 30 quan chức cấp cao đứng đầu bởi tướng Lê Văn Tỵ đã khẳng định quyết tâm thực thi mọi nhiệm vụ giao phó cho quân đội để bảo vệ hiến pháp và nền cộng hòa. Bản tuyên bố thực ra là vỏ bọc che đậy cho kế hoạch lật đổ Ngô Đình Diệm. Một số người tham gia ký kết về sau có dính líu trực tiếp tới cuộc đảo chính và ám sát Diệm tháng 11 năm đó. Các tướng Dương Văn MinhTrần Văn Đôn, cố vấn quân sự của Tổng thống và là người sẽ lãnh đạo cuộc lật đổ, lúc đó đang ở nước ngoài và không phải tham gia màn kịch ký kết.[34]

Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu và em dâu Tổng thống, lúc đó được mệnh danh là Đệ Nhất Phu nhân Việt Nam Cộng hòa vì Tổng thống sống độc thân, đã phát biểu: "Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác" (I would clap hands at seeing another monk barbecue show)[35]"nếu ai thiếu xăng dầu tôi sẽ cho". Trả lời phỏng vấn của ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân nói: "Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới". Những phát biểu thiếu cân nhắc và quá khích của bà như rót thêm nước sôi vào tình hình căng thẳng lúc đó.[36]

Cuối tháng 6, chính phủ Ngô Đình Diệm cáo buộc rằng Thích Quảng Đức "đã bị chích thuốc" trước khi bị ép tự vẫn.[37] Chính quyền cũng buộc tội Browne đã hối lộ nhà sư để ông tự thiêu.[38] Nhưng về sau, Trần Lệ Xuân đã tìm cách từ chối một số các phát biểu thiếu trách nhiệm này.[39]

Tác động chính trị và truyền thông

Những bức ảnh của Browne chụp cảnh tự thiêu nhanh chóng truyền đi bằng các phương tiện điện tín và lên trang nhất của nhiều tờ báo khắp thế giới. Việc một hòa thượng tự thiêu tại một đất nước mà phần đông dân số theo đạo Phật đã được ghi nhận là bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mặc dù sự suy yếu của chính phủ bắt đầu lộ rõ từ trước nhưng vụ việc vẫn được coi là bước then chốt trong tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ.[40] Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định Thích Quảng Đức đã "đốt cuộc thử nghiệm Diệm của nước Mỹ ra tro" và "không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Ngô Đình Diệm" một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới.[41] Ellen Hammer mô tả rằng sự kiện đã gợi lên những hình ảnh đen tối về sự đàn áp và ghê rợn, tương ứng với một thực tại rất châu Á mà người phương Tây vốn không hiểu".[42] William Colby, giám đốc CIA vùng Viễn Đông cho rằng Ngô Đình Diệm "đã xử trí cuộc khủng hoảng rất dở và đã để cho nó tiến triển. Nhưng thực sự tôi không nghĩ rằng có nhiều cơ hội để họ giải quyết vấn đề một khi đã có một thầy tu tự thiêu".[40]

 
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nói rằng "không có một bức hình thời sự nào trong lịch sử lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy"

Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, người đứng đầu chính phủ đồng minh với Việt Nam Cộng hòa, biết được thông tin về vụ một nhà sư tự thiêu tại Nam Việt Nam khi đọc báo tin tức buổi sáng, trong khi ông đang ngồi trên giường và nói chuyện với em trai Robert F. Kennedy, viên chưởng lý Hoa Kỳ. Tổng thống đã cắt ngang cuộc đàm thoại về tình hình tại bang Alabama và thốt lên: "Lạy Chúa Giê-su!".[41] Về sau ông nhận xét rằng "trong lịch sử không có một bức hình thời sự nào lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy"[41]. Thượng nghị sĩ Frank Church, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế, đã phát biểu: "Người ta chưa từng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế này kể từ khi các vị thánh tử vì đạo dắt tay nhau vào đấu trường La Mã nộp mình".[42]

Tại châu Âu, bức ảnh được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã in bức ảnh ra hàng triệu bản và phân phát khắp châu Á và châu Phi như một minh chứng về "chủ nghĩa đế quốc Mỹ"[38]. Một trong những tấm ảnh Browne chụp cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn dán trên chiếc xe mà Thích Quảng Đức lái tới ngã tư nơi ông tự thiêu.[38] Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự khâm phục trước hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức qua hai câu đối: Vị pháp vong thân vạn cổ hùng uy Thiên Nhật Nguyệt/Lưu danh bất tử bách niên chính khí Địa Sơn Hà.[43]

Đối với Browne và hãng thông tấn AP, những bức ảnh là một thành công trong tiếp thị. Ray Herndon, nhà báo hãng thông tấn UPI (United Press International) đã quên không mang máy ảnh ngày hôm đó nên bỏ lỡ cơ hội chụp cảnh một hòa thượng tự thiêu, sau đã bị cấp trên la rầy. UPI ước lượng rằng có 5.000 độc giả ở Sydney, một thành phố lúc đó có khoảng 1,5 đến 2 triệu dân, đã chuyển sang lấy tin từ các nguồn của hãng AP.[44] Về phía chính quyền Ngô Đình Diệm, tờ Times of Vietnam, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh, đã gia tăng sự công kích đối với các nhà báo Mỹ và giới Phật tử. Những dòng tít kiểu như "Giới chức chùa Xá Lợi đưa ra lời hăm dọa mới" hay "Sư sãi âm mưu ám sát" xuất hiện trên mặt báo. Một bài báo hoài nghi về mối quan hệ giữa các nhà sư và báo chí với việc đặt một câu hỏi tại sao "rất nhiều cô gái trẻ ra vào chùa Xá Lợi vào buổi sáng sớm" và sau đó cho rằng họ đã được đưa vào trong đó vì mục đích tình dục cho các phóng viên.[45]

Tấm ảnh đoạt giải của Browne đã được giới truyền thông đại chúng sử dụng lại trong nhiều thập niên. Năm 1992, ban nhạc rap metal Rage Against the Machine sử dụng một tấm ảnh làm bìa cho album và đĩa đơn đầu tay của họ. Trong tập 408 bộ phim hoạt hình South Park, "Chef Goes Nanners", nhân vật Chef đã dùng đến tấm ảnh tự thiêu của Browne trước khi đổ xăng và đốt cháy một nhà sư để phản kháng lại lá cờ phân biệt chủng tộc của thị trấn.[46]

Ngày 22/8/1963, thống chế Sarit Thanarat, thủ tướng Thái Lan, đề nghị triệu tập một hội nghị sơ bộ gồm các nước Phật giáo trước lúc đưa vấn đề Phật giáo Việt Nam ra Liên Hợp Quốc. Bốn ngày sau đó Đại tá Mutukhan, Phó giám đốc nha Tôn giáo thuộc bộ Giáo dục, đã khuyến cáo chính phủ Ngô Đình Diệm bằng những lời gay gắt và như một tiên tri:

“Vì đã đàn áp Phật tử Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ phải hứng chịu hết những tai hoạ dưới đủ mọi hình thức, hiểu theo giáo lý nhà Phật, kể cả diệt vong và đọa địa ngục...”[47]

Tiền lệ và ảnh hưởng

 
Đài tưởng niệm Thích Quảng Đức tự thiêu

Mặc dù công chúng phương Tây rất bàng hoàng về sự kiện tự thiêu của Thích Quảng Đức, việc các nhà sư Việt Nam tự thiêu không phải hiện tượng hiếm. Nhiều trường hợp tự thiêu đã được ghi nhận từ hàng thế kỷ trước, với lý do thường là để tỏ lòng tôn kính với Đức Phật.[48] Trường hợp gần nhất trước Thích Quảng Đức được ghi nhận ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1950.[48] Sau khi xâm chiếm Việt Nam vào thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cố bài trừ những hành động này nhưng không thực sự thành công. Thập niên 1920, họ đã thành công trong việc ngăn chặn một nhà sư ở Huế tự thiêu, nhưng cuối cùng nhà sư này đã tuyệt thực cho đến chết. Trong những năm 1920 và 1930, báo chí Sài Gòn đã đưa tin về các trường hợp hòa thượng tự thiêu như thể những chuyện bình thường. Điều tương tự cũng diễn ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Năm 1948, một hòa thượng ngồi theo tư thế hoa sen, bên dưới là mùn cưa và dầu đậu nành và tự thiêu để phản đối chính sách ngược đãi Phật giáo của những người cộng sản do Mao Trạch Đông đứng đầu. Trái tim của vị hòa thượng này vẫn còn nguyên như trái tim của Thích Quảng Đức.[48] Sau Hòa thượng Thích Quảng Đức, 5 thành viên hội Tăng lữ Việt Nam cũng tử vì đạo cho đến tận tháng 10 năm 1963, khi phong trào phản kháng của Phật giáo lên cao.[49] Ngày 1 tháng 11, Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát ngày hôm sau.[50]

Người Mỹ tại Sài Gòn thường thấy những hành động tự thiêu rất kỳ quặc, họ sử dụng các kiểu chơi chữ ví dụ như "bonze fires" hay "hot cross bonzes", gần như để trốn khỏi tình trạng hoang mang,[51] Trong một trường hợp, một cậu bé con một quan chức người Mỹ ở đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã đổ dầu hỏa lên người mình và châm lửa. Đến khi lửa được dập thì cậu đã bị bỏng rất nặng. Về sau, cậu chỉ giải thích về hành động của mình rằng: "Con chỉ muốn thử xem nó như thế nào".[51] Trường hợp tự thiêu cũng xảy ra ít nhất hai lần tại Mỹ trong các cuộc phản đối Chiến tranh Việt Nam. Ngày 2 tháng 11 năm 1965, Norman Morrison, một tín đồ Quaker yêu hòa bình, đã tự thiêu bằng dầu hỏa bên dưới cửa sổ tầng 3 Lầu Năm Góc, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara làm việc. Cũng năm đó, Alice Herz, một phụ nữ 82 tuổi, đã tự thiêu ở Detroit, Michigan.[52]

Xem thêm

Tham khảo

Ghi chú

  1. ^ Trong ảnh vệ tinh (10°46′31″B 106°41′13″Đ / 10,775159°B 106,686864°Đ / 10.775159; 106.686864) là ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu: Đại lộ Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) hướng Đông Bắc-Tây Nam và phố Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám) hướng Tây Bắc-Đông Nam. Góc phía Tây của ngã tư có một đài tưởng niệm Thích Quảng Đức. Trong nhiều năm thì trạm xăng Petrolimex đứng ở góc phía Bắc, nhưng nay đã bị thay thế bởi một công viên tưởng nhớ vị hòa thượng này.

Chú thích

  1. ^ a b c d e Nhị Tường 2005.
  2. ^ Đức Hạnh (29 tháng 5 năm 2013). “50 Năm Nhìn Lại Phật giáo Tranh Đấu 1963”. Thư viện Hoa Sen. Bản gốc lưu trữ 18 tháng 8 năm 2013. Truy cập 29 tháng 5 năm 2013.
  3. ^ Gettleman 1966, tr. 275–276, 366.
  4. ^ Time Staff 1963a.
  5. ^ Tucker 2000, tr. 49, 291, 293.
  6. ^ Ellsberg 1971, tr. 729–733.
  7. ^ Tucker 2000, tr. 291.
  8. ^ a b Gettleman 1966, tr. 280–282.
  9. ^ Harrison 1963b, tr. 9.
  10. ^ Warner 1963, tr. 210.
  11. ^ Fall 1963, tr. 199.
  12. ^ Buttinger 1967, tr. 993.
  13. ^ Karnow 1997, tr. 294.
  14. ^ Buttinger 1967, tr. 933.
  15. ^ Harrison 1963a, tr. 5–6.
  16. ^ a b Nguyễn Hiền Đức. “Pháp nạn ở Huế trong Lễ Phật Đản năm 1963”. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Bản gốc lưu trữ 2 tháng 11 năm 2013.
  17. ^ a b Jacobs 2006, tr. 140–150.
  18. ^ Nguyễn 2000, tr. 1048
  19. ^ Browne 1963.
  20. ^ Nguyễn 2000, tr. 1058–1059
  21. ^ Nguyễn Khắc Phê (25 tháng 10 năm 2009). “Từ Quận chúa Hồ Thị Hạnh đến Sư bà Diệu Không”. An Ninh Thế giới và Văn nghệ Công An. Công An Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ 3 tháng 3 năm 2010.
  22. ^ a b c d e f Jacobs 2006, tr. 147.
  23. ^ a b c d Karnow 1997, tr. 297.
  24. ^ Jones 2003, tr. 268.
  25. ^ Halberstam 1965, tr. 211.
  26. ^ a b Jones 2003, tr. 270.
  27. ^ a b c Jacobs 2006, tr. 148.
  28. ^ Jones 2003, tr. 272.
  29. ^ a b Hammer 1987, tr. 149.
  30. ^ a b Cư Sĩ Tuệ Minh Đạo Nguyễn Đức Can. “Bồ tát Thích Quảng Đức với quả tim bất diệt”. Bản gốc lưu trữ 21 tháng 3 năm 2014.
  31. ^ Jones 2003, tr. 307–308.
  32. ^ Time Staff 1963b.
  33. ^ Jones 2003, tr. 271.
  34. ^ Hammer 1987, tr. 147.
  35. ^ O'Brien 2005, tr. 859
  36. ^ Langguth 2002, tr. 216.
  37. ^ Jones 2003, tr. 284.
  38. ^ a b c Prochnau 1995, tr. 309.
  39. ^ Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, Volum II Vietnam at War, Frederick A. Praeger, Publisher, New York, 1967, tr.1184
  40. ^ a b Jones 2003, tr. 269.
  41. ^ a b c Jacobs 2006, tr. 149.
  42. ^ a b Hammer 1987, tr. 145.
  43. ^ Giác Đạo - Dương Kinh Thành (1 tháng 4 năm 2013). “Kỷ niệm 50 năm pháp nạn lịch sử PGVN: (Phần 1) Bài thơ "Lửa từ bi" nói thay lời lịch sử”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2013..
  44. ^ Prochnau 1995, tr. 316.
  45. ^ Prochnau 1995, tr. 320.
  46. ^ Parker 2000.
  47. ^ Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, sách đã dẫn, p.133
  48. ^ a b c Hammer 1987, tr. 146.
  49. ^ Jacobs 2006, tr. 152, 168, 171.
  50. ^ Jacobs 2006, tr. 173–180.
  51. ^ a b Prochnau 1995, tr. 310.
  52. ^ Zinn 2003, tr. 486.

Thư mục

Liên kết ngoài