Sông Đáy
Sông Đáy là dòng sông chảy từ phía Tây Hà Nội, xuyên qua tỉnh Hà Nam rồi thành ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định trước khi đổ ra biển Đông tại cửa Đáy. Dòng sông chảy song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng và cũng là cửa sông lớn nhất của lưu vực sông Hồng.[1][2][3]
Sông Đáy | |
---|---|
Tên địa phương | Hát Giang (đoạn trên), sông Gián Khẩu (đoạn dưới) |
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Tỉnh | Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định |
Đặc điểm địa lý | |
Thượng nguồn | Sơn Tây, Phúc Thọ và Đan Phượng, Hà Nội (3 nguồn) |
• cao độ | Chưa xác định |
Cửa sông | Cửa Đáy, Kim Sơn |
• cao độ | 0 m |
• chiều rộng | Chưa xác định |
Độ dài | 325 km |
Diện tích lưu vực | 7.500 km² |
Lưu lượng | Chưa xác định |
Đặc trưng lưu vực | |
Nhánh | Chưa xác định |
Chi lưu | suối Yến, sông Nhuệ, sông Hoàng Long, sông Đào |
Sông Đáy là một trong những con sông dài ở miền Bắc Việt Nam, và là con sông chính của lưu vực sông Nhuệ - Đáy ở phía Tây Nam vùng châu thổ sông Hồng. Dòng chảy sông Đáy từ Vân Đình tới hạ lưu là tuyến đường thủy quốc gia, riêng đoạn từ thành phố Ninh Bình tới cửa Đáy là tuyến đường thủy quốc gia đặc biệt quan trọng.[4] Trong lưu vực sông Đáy có nhiều sông khác như sông Tích, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Bôi, sông Lạng, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Vạc, sông Nam Định, liên quan đến nhau nên đã được quy hoạch thủy lợi chung vào hệ thống sông Đáy.
Tên gọi
sửaSông Đáy trên dòng chảy của mình qua các địa phương từng có nhiều tên gọi. Đoạn đầu sông Đáy xưa được gọi là Hát Giang. Đầu nguồn sông lấy nước từ sông Hồng vào gọi là cửa Hát Môn, nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa năm 40. Tới triều Nguyễn, tên gọi này vẫn còn được sử dụng.[5] Theo GS. TSKH Tô Ngọc Thanh thì chữ "Hát" nghĩa là thác nước trong tiếng Mường và dân cư ở đây xưa vốn là người Mường.[6] Sách Thái Bình hoàn vũ ký của Trung Quốc chép là sông Chu Diên,[7] gắn với tên huyện Chu Diên, cũng có từ thời thuộc Hán, là quê ông Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc.[8] Sông đổ ra biển tại cửa Đại Ác, xưa là nơi Triệu Quang Phục tự tẫn sau khi thua Lý Phật Tử. Cửa này cũng có tên gọi khác là Đại Nha (Ác và Nha đều là con quạ), sau đổi là cửa Đại An, rồi đến cửa Liêu[9].
Từ thời Tiền Lê cho tới thời Hậu Lê, khúc sông giữa đều gọi là Ninh Giang hay sông Chỉ Ninh, gắn với huyện Ninh Sơn, có "Ninh Kiều máu chảy thành sông" trong Bình Ngô đại cáo.[a][10][11] Khi chảy đến Hà Nam, sử nhà Minh còn chép tên sông Sinh Quyết, sau gọi là Thanh Quyết, chảy qua huyện Thanh Liêm, nơi Giản Định Đế đánh thắng Mộc Thạnh.[12] Khi xuống tới Ninh Bình, sông hợp lưu với sông Hoàng Long tại ngã ba Gián Khẩu nên cuối nguồn còn gọi là sông Gián Khẩu, có nghĩa là "bịt mồm". Theo dân vùng Gia Viễn thì vào thời Mạc, Bà Chúa Vực Vông đã trả thù cho chồng bằng cách bịt mồm viên quan triều đình rồi ném xuống sông.[13]
Tên "Đáy" cũng là của sông Phó Đáy ngày nay, là phụ lưu của sông Lô.[5] Năm 1949, chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng tác bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" để nói về con sông chảy qua chiến khu Việt Bắc này.[14] Nhưng trong các bản đồ của người Pháp, do cách phiên âm nên đã có nhiều sự nhầm lẫn giữa Song Dai, S. Day, Lach Day, Cua Day... Vậy nên ngày nay, sông Đáy là tên gọi chính thức của con sông lớn chảy từ Hà Nội về Ninh Bình; còn sông Đáy đáy nữa vốn nhỏ hơn nên bị "giáng" xuống làm Phó Đáy, chảy từ Bắc Kạn về Vĩnh Phúc. Ngoài chuyện tên gọi thì 2 con sông này không gặp nhau, chỉ cùng nối vào sông Hồng.
Đặc điểm dòng chảy
sửaSông Đáy dài 250 km nếu tính theo nhánh bên tả, còn theo nhánh chính bên hữu thì sông Đáy dài 325 km (đoạn thượng nguồn còn gọi là sông Tích). Sông Đáy là 1 trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam (Hồng, Đà, Lô, Cầu, Đáy). Lưu vực sông Đáy (cùng với phụ lưu sông Nhuệ) hơn 7.500 km²[15] trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.
Sông Đáy là dòng chảy chính của các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Nam Định, sông Vạc. Trước đây đầu nguồn sông Đáy nhận nước của sông Hồng ở địa phận giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đoạn sông này được gọi là sông Hát (Hát Giang), xưa có cửa Hát Môn. Song hiện nay khu vực này đã bị bồi lấp, và đã được thay thế bằng tuyến kênh đào Cẩm Đình - Hiệp Thuận. Tuy vậy, nguồn cung cấp nước chính cho sông Đáy chủ yếu vẫn là các nhánh sông Tích, sông Nhuệ, sông Hoàng Long và sông Nam Định.
Ở thượng nguồn, lưu lượng của sông bất thường nên mùa mưa thì lũ quét lại thêm dòng sông quanh co uốn khúc nên dễ tạo ra những ghềnh nước lớn. Đến mùa khô thì lòng sông có chỗ cạn lội qua được nên thượng lưu sông Đáy thuyền bè không dùng được. Đoạn hạ nguồn từ thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội đến cửa Đáy được công nhận là tuyến đường sông cấp quốc gia.
Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình thì lòng sông rộng ra, tốc độ dòng chảy chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông đây men đến vùng chân núi nên phong cảnh hữu tình. Đến địa phận huyện Mỹ Đức, sông Đáy tiếp nhận dòng suối Yến (thủy lộ vào chùa Hương). Vượt đến tỉnh Hà Nam khi sông chảy vào thành phố Phủ Lý thì dòng sông Nhuệ góp nước từ phía tả ngạn. Sông Đáy tiếp tục hành trình xuôi Nam đón sông Hoàng Long bên hữu ngạn từ miền núi tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình dồn về tại ngã ba Gián Khẩu, cách thành phố Ninh Bình khoảng 10 km về phía Bắc. Đoạn này sông được gọi sông Gián Khẩu. Qua khỏi Ninh Bình khoảng 20 km thì bên tả ngạn có phụ lưu là sông Đào (sông Nam Định) thêm nước rồi tiếp tục nhận nước sông Vạc bên hữu ngạn. Gần đến biển, sông Đáy chuyển hướng từ Tây Bắc - Đông Nam sang Đông Bắc - Tây Nam rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, xưa gọi là cửa Đại An hay Đại Ác thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng, tình Nam Định.
Khác với các cửa sông khác ở miền Bắc như: cửa Ba Lạt, cửa Thái Bình, cửa Văn Úc... vùng biển cửa sông Đáy phát triển thiên về xu hướng bồi tụ mạnh nhờ có nguồn bồi tích rất dồi dào từ hệ thống sông Hồng và cửa sông nằm ở vùng bờ biển lõm, tránh được các hướng sóng chính có tác động mạnh ở ven biển đồng bằng sông Hồng.[16]
Các phụ lưu
sửaSông Đáy có các phụ lưu cấp 1, 2, 3 sau đây:
- Sông Tích (Tây Hà Nội)
- Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội)
- Sông Con (Hà Nội)
- Sông Bùi (Hòa Bình, Hà Nội)
- Sông Thanh Hà
- Suối Yến (Mỹ Đức, Hà Nội)
- Sông Nhuệ (Hà Nội, Hà Nam)
- Sông Tô Lịch (Hà Nội)
- Sông Hòa Bình (Hà Nội)
- Sông Giẽ (Hà Nội)
- Sông Hoàng Long (Ninh Bình)
- Sông Vân (thành phố Hoa Lư)
- Sông Sắt (Nam Định)
- Sông Nam Định hay sông Đào, rút nước từ hạ lưu sông Hồng đổ ra sông Đáy
- Sông Vạc (Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Đô thị
sửaHà Nội | Hà Nam | Nam Định | Ninh Bình |
---|---|---|---|
Thị trấn Phùng (tả ngạn)*[b] | Thành phố Phủ Lý (xuyên qua) | Thị trấn Quỹ Nhất (tả ngạn) | Thành phố Hoa Lư (hữu ngạn) |
Thị trấn Quốc Oai (hữu ngạn)* | Thị xã Kim Bảng (xuyên qua) | Thị trấn Rạng Đông (tả ngạn) | Thị trấn Bình Minh (hữu ngạn) |
Thị trấn Chúc Sơn (hữu ngạn)* | |||
Thị trấn Kim Bài (tả ngạn) | |||
Thị trấn Vân Đình (tả ngạn) | |||
Thị trấn Đại Nghĩa (hữu ngạn) |
Di tích và danh thắng
sửaXuôi dòng sông Đáy sẽ gặp nhiều di tích và danh thắng lần lượt như:
- Đền Hát Môn ở xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội thờ Hai Bà Trưng. Đây là nơi Hai Bà hội quân khởi nghĩa và tương truyền cũng là nơi Hai Bà gieo mình tuẫn tiết.
- Đình Đại Phùng ở xã Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt thờ hai vị tướng chống quân Nguyên Mông.
- Đình Hạ Hiệp ở xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt, thờ tướng của Hai Bà Trưng.
- Đình Yên Sở ở xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội thờ tướng Lý Phục Man, một vị tướng tài thời Lý Nam Đế.
- Chùa Thầy là một quần thể các ngôi chùa trên núi đá ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội được xây dựng từ thời Đinh, từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
- Đình So ở xã Cộng Hòa, Quốc Oai, Hà Nội được xem là ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, thờ tam vị Đại Vương tướng nhà Đinh.
- Chùa Trầm là một quần thể các ngôi chùa trên núi đá ở xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội xưa kia từng là nơi vua Lê đặt hành cung.
- Chùa Hương là một quần thể các ngôi chùa trên núi đá xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tại đây có Động Hương Tích được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất Động - động đẹp nhất trời Nam và lễ hội kéo dài nhất cả nước (ba tháng mùa xuân).
- Chùa Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn, Kim Bảng, Hà Nam được mệnh danh là "đệ nhất vắng khách", "vắng như chùa Bà Đanh".
- Nhà thờ Kẻ Sở ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam, một trong 4 vương cung thánh đường ở Việt Nam.
- Kẽm Trống, một thắng cảnh độc đáo tạo ra bởi một đoạn sông và 2 bên bờ thuộc ranh giới 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.
- Dục Thúy Sơn ở thành phố Ninh Bình là danh thắng từ thời Trần gắn với Trương Hán Siêu nằm ở ngã ba sông Vân đổ vào sông Đáy.
- Cồn Nổi là hòn đảo nằm ở cửa sông Đáy, thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng.
Sông Đáy trong văn học
sửa- Nguyễn Du có bài thơ chữ Nho, "Thanh Quyết giang vãn thiếu", tả cảnh chiều trên sông Thanh Quyết, đoạn hạ lưu sông Đáy[17].
|
|
|
- Kẽm Trống là một danh thắng nổi tiếng, thực chất là khoảng trống được tạo ra bởi hai bên là núi giữa là sông Đáy như lời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã vịnh cảnh trong bài thơ Kẽm Trống:
- Hai bên thì núi, giữa thì sông
- Có phải đây là Kẽm Trống không
- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có ca khúc nổi tiếng "Hát Giang Trường Hận" sau đổi tên là Hồn Tử Sĩ, dùng trong nghi thức lễ tang chính thức của Việt Nam hiện nay. Trước năm 1975, bài hát này đã được cả hai miền sử dụng, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong lễ tang cấp nhà nước và chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong nghi thức lễ tang quân đội.
- Nhà thơ Lai Vu (1942-1990) trong bài "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" có câu:
- Dòng sông Đáy quê em
- Sông trăng hay sông lụa
- ...
- Sóng xanh như mắt trẻ
- Mùa hoa cải bên sông là tên một câu chuyện, một bộ phim, một bài hát nổi tiếng về dòng sông Đáy.
Vấn đề môi sinh
sửaKể từ năm 2003, sông Đáy cùng phụ lưu sông Nhuệ bị ô nhiễm nhiều vì nước thải không được khử biến khiến hai dòng sông này bị coi là "sông chết". Năm 2007 chính phủ Việt Nam cho xây công trình đầu mối sông Đáy đưa nước từ sông Hồng ở cống Hiệp Thuận qua hệ thống kênh dài 12 km vào sông Đáy ở cống Cẩm Đình với kỳ vọng làm sống lại dòng sông Đáy và sẽ tạo thành một điểm du lịch trên sông trong tương lai.[18]
Các cây cầu bắc qua sông Đáy
sửa- Cầu Phùng (nối 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ của thành phố Hà Nội)
- Cầu Yên Sở (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), trên đường tỉnh 422
- Cầu Sông Đáy trên Đại lộ Thăng Long
- Cầu 72 trên đường tỉnh 423 (đường 72 cũ), giữa Vân Côn, Hoài Đức - Cộng Hòa, Quốc Oai
- Cầu Cù Sơn (Vân Côn, Hoài Đức) - cầu nhỏ (1 làn), đầu cầu phía hữu ngạn không có đường ôtô đi được
- Cầu Tân Phú (An Thượng, Hoài Đức - Tân Phú, Quốc Oai) - cầu nhỏ (1 làn) Cầu Mai Lĩnh (Hà Đông)
- Cầu Mai Lĩnh (Quốc lộ 6, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội).
- Cầu Văn Phương nối làng Chuông với làng Vân La, Chương Mỹ
- Cụm cầu Hòa Viên, cầu Ba Thá sắt, cầu Ba Thá
- Cầu Mỹ Hòa (Nối 2 xã: Bột Xuyên, Mỹ Đức với Cao Thành ,Ứng Hòa)
- Cầu Phùng Xá (TT Vân Đình, Ứng Hòa - Phùng Xá, Mỹ Đức)
- Cầu Tế Tiêu (nối 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, thành phố Hà Nội).
- Cầu Đục Khê trên đường ĐT.425, địa phận thôn Đục Khê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội
- Cầu Khả Phong ở Kim Bảng, Hà Nam
- Cầu Cấm Sơn ở Kim Bảng, Hà Nam
- Cầu Quế (thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)
- Cầu Hồng Phú (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam)
- Cầu Châu Sơn (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam)
- Cầu Đọ Xá (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam)
- Cầu Kiện Khê (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam)
- Cầu Treo Nam Công, nối làng Nam Công và làng Tân Hưng, Thanh Tân, Thanh Liêm, Hà Nam
- Cầu Bồng Lạng (Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam)
- Cầu Khuất (nối huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Bến Mới trên tuyến quốc lộ 38B (nối huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Non Nước trên tuyến quốc lộ 10 (nối huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Ninh Bình trên tuyến đường sắt Bắc - Nam (nối huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Nam Bình trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (nối huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Tam Tòa trên tuyến Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (nối huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình)
- Cầu Cồn Thoi trên tuyến Đường ven biển Việt Nam (nối huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)
Hình ảnh
sửa-
Suối Yến chùa Hương-1 Nhánh sông Đáy
-
Sông Đáy đoạn chảy qua Phủ Lý
-
Sinh cảnh bãi bồi cửa sông Đáy
-
Danh thắng Kẽm Trống được tạo ra bởi sông Đáy
-
Núi Ngọc Mỹ Nhân nhìn từ bên kia sông Đáy
-
Sông Đáy đoạn qua Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam.
Ghi chú
sửa- ^ Sau kiêng húy vua Lê Ninh đổi là huyện Yên Sơn, nay là hai huyện Quốc Oai và Chương Mỹ
- ^ Ở thượng nguồn có đê cao bao bọc và lòng sông khi xưa rất rộng, nay đã được bồi đắp thành các bãi bồi nên các thị trấn này còn cách sông một khoảng. Còn ở hạ nguồn các đô thị ngày nay đều giáp trực tiếp với mặt sông.
Tham khảo
sửa- ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội, 2013.
- ^ Bản đồ tỷ lệ 1:500.000 tờ F-48-D. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, 2004.
- ^ Quyết định số 1989/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục lưu vực sông liên tỉnh. Thuvienphapluat, 2016. Truy cập 12/05/2017.
- ^ Đường thủy quốc gia cấp đặc biệt phải đáp ứng tiêu chí gì?
- ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn (2003). Đồng Khánh địa dư chí. Ngô Đức Thọ; Nguyễn Văn Nguyên; Philippe Papin biên dịch. Nhà xuất bản Thế giới. tr. 905.
- ^ Cao Minh (15 tháng 1 năm 2011). “GS-TSKH Tô Ngọc Thanh: Suốt đời vì văn hóa dân tộc”. Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2024.
- ^ Đào Duy Anh (2005). Đất nước Việt Nam qua các đời. Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin. tr. 47.
- ^ Phan Huy Lê; Trần Quốc Vượng; Hà Văn Tấn; Lương Ninh (1983). Lịch sử Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học & THCN. tr. 262.
- ^ Nguyễn Chí Bền (20 tháng 3 năm 2017). “Vị thế địa văn hóa của Cố đô Hoa Lư và tính cách người Ninh Bình”. Báo Ninh Bình. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2024.
- ^ Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư (PDF). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. tr. 77.
- ^ Nguyễn Trãi (1428). Bình Ngô đại cáo. Ngô Tất Tố biên dịch.
- ^ Hồ Bạch Thảo (30 tháng 12 năm 2006). “Tìm hiểu về hai chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh -”. Tạp Chí Xưa và Nay. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2024.
- ^ Anh Thu (6 tháng 10 năm 2008). “Bà Chúa Vực Vông”. Hànộimới. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Đi thuyền trên sông Đáy”. Báo Tuyên Quang. 13 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2024.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2007.
- ^ DIỄN BIẾN CÁC VÙNG CỬA SÔNG Ở VEN BIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN HOÀ BÌNH
- ^ Thảo Nguyên. Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Hà Nội: Hội Nhà Văn, 2007.
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênrfa.org