Nguyễn Phúc Cự
Nguyễn Phúc Cự (chữ Hán: 阮福昛; 2 tháng 10 năm 1810 – 11 tháng 8 năm 1849), tước phong Thường Tín Quận Vương (常信郡王), là một hoàng tử con vua Gia Long nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Thường Tín Quận Vương 常信郡王 | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Thường Tín Công | |||||||||
Tại vị | 1817 - 1849 | ||||||||
Thông tin chung | |||||||||
Sinh | 2 tháng 10 năm 1810 | ||||||||
Mất | 11 tháng 8 năm 1849 (38 tuổi) | ||||||||
An táng | Phường Thủy Xuân, Huế | ||||||||
Hậu duệ | 7 con trai 11 con gái | ||||||||
| |||||||||
Tước vị | Thường Tín công Thường Tín Quận vương (truy phong) | ||||||||
Thân phụ | Nguyễn Thế Tổ Gia Long | ||||||||
Thân mẫu | Đức phi Lê Ngọc Bình |
Tiểu sử
sửaHoàng tử Cự sinh ngày 4 tháng 9 (âm lịch) năm Canh Ngọ (1810), là con trai thứ 11 của vua Gia Long, mẹ là Cung Thận Đức phi Lê Ngọc Bình[1]. Ông là em cùng mẹ với An Nghĩa Công chúa Ngọc Ngôn, Mỹ Khê Công chúa Ngọc Khuê và Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân.
Năm Gia Long thứ 16 (1817), hoàng tử Cự được sách phong làm Thường Tín công (常信公), khi đó mới 8 tuổi[2].
Thời Minh Mạng
sửaNăm Minh Mạng thứ 3 (1823), Long Thành Công chúa Ngọc Tú, chị ruột cùng mẹ với vua Gia Long, qua đời mà không có con thờ tự. Bộ Lễ tâu với vua Minh Mạng rằng: “Khi xưa Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thường cho công chúa nuôi Thường Tín công Cự, từ đấy ân tình nuôi nấng chẳng khác gì mẹ con trong nhà, xin lập Thường Tín công làm chủ tự”[3]. Vua chuẩn cho.
Năm thứ 9 (1829), anh cùng mẹ với Thường Tín công Cự là Quảng Uy công Quân mất sớm, tuy nhiều thê thiếp nhưng không có con. Vì vậy, toàn bộ gia sản của Quảng Uy công đều được giao cho Cự coi giữ[4].
Tháng 5 (âm lịch) năm thứ 16 (1835), vua cùng Nhân Tuyên Hoàng thái hậu đi tuần du ở cửa biển Thuận An. Ngày hồi cung, vua từ hành cung Thuận An đến hành cung Cáp Châu[5]. Thường Tín công Cự theo vua xuống thuyền Long Nhất để hầu. Vì chỗ vua ngồi ở đầu thuyền chưa trải chiếu, Thường Tín công lầm ngồi lên đó[5]. Viện Đô sát bèn tham hặc về việc đó. Vua bảo rằng: “Dạo trước, Kiến An công mua tư đường cát, ấy là hữu tâm mà lỗi nhỏ. Nay Thường Tín công ngồi lầm vào chỗ vua ngự, thì là vô tâm mà lỗi lớn, nhưng Thường Tín công là người có tính lỗ mãng chất phác thế nào, ta vẫn biết rõ. Hơn nữa vì thân công nhiều bệnh, nặng tai, lại không năng đi hộ giá, nên mới đến nỗi thất thố trong lúc tiến, lúc ngừng. Vậy, còn có thể tha thứ được”, bèn gia ơn phạt nhẹ Thường Tín công Cự 1 năm lương[5].
Minh Mệnh năm thứ 19 [1838] ... Thanh Hoa, Nghệ An và Bắc Kỳ phái đưa con cháu nhà Lê lần lượt đến Kinh, sai phân phát an trí ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, người còn trốn tránh, bắt sở tại thúc giục tra xét, tiếp tục giải đi. Do mẹ để của Thường Tín công là công chúa Lê Ngọc Bình nên được lệnh xuất 4.000 quan ra chu cấp và phải dứt tình nghĩa với họ Lê.[6][7][8]
Năm thứ 21 (1840), tháng 2 (âm lịch), người nấu bếp thuộc phủ Thường Tín công Cự là Lê Văn Thiện cậy thế mua rẻ hàng hóa ở chợ[9]. Khoa đạo là Đặng Quốc Long đem việc đó hặc tâu. Vua sai Cẩm y vệ lập tức đem treo sống Lê Văn Thiện ở chợ Nam Thọ 3 ngày, rồi phát đi sung quân ở bảo Côn Lôn[9]. Thường Tín công vì không biết răn thuộc hạ nên chịu phạt lương 6 tháng, không được lấy công khác khấu trừ đi, lại truy thu 500 quan tiền chia cấp cho người nghèo ở chợ Nam Thọ[9].
Tháng 4 (âm lịch) năm đó, vua cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân anh em, các hoàng tử công và hoàng tử chưa được phong tước. Thường Tín công Cự được ban cho một con kỳ lân bằng vàng nặng 3 lạng 5 đồng cân[10].
Thời Thiệu Trị
sửaNăm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua xuống dụ miễn cho các thân công Kiến An, Định Viễn, Diên Khánh, Điện Bàn, Thường Tín, An Khánh và Từ Sơn, đều là hoàng thúc của vua, khỏi phải lạy ngày thường chầu, trừ khi triều hội và các điển lễ lớn[11].
Năm thứ 4 (1844), tế trời đất ở đàn Nam Giao. Lễ xong, vua thưởng cho hoàng thân và các quan văn võ kim tiền và ngân tiền theo thứ bậc. Các hoàng thúc của vua đều được ban thêm một đồng kim tiền lớn hạng nhất có chữ Long vân khế hội[12].
Thời Tự Đức
sửaNăm Tự Đức thứ 2 (1849), ngày 25 tháng 6 (âm lịch), Thường Tín công Cự mất, hưởng thọ 40 tuổi, được ban thụy là Ôn Tĩnh (溫靜)[13]. Vua cấp cho 3000 quan tiền để lo việc an táng cho ông[14].
Ông sau đó được truy tặng làm Thường Tín Quận vương (常信郡王), nhưng không rõ vào triều vua nào, được cải thụy thành Trang Cung (莊恭). Mộ của quận vương Cự được táng tại Dương Xuân Thượng (nay là một phần của phường Thủy Xuân, thành phố Huế); phủ thờ dựng ở làng Xuân Vinh (thuộc huyện Phú Lộc, Huế)[1].
Gia quyến
sửaThường Tín Quận vương Cự có tất cả 7 con trai và 11 con gái[13]. Dưới đây liệt kê tên của một số người:
Tham khảo
sửa- Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc (1995), Nguyễn Phúc Tộc thế phả Lưu trữ 2020-09-27 tại Wayback Machine, Nhà xuất bản Thuận Hóa
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục Tiền biên – Chính biên, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nhà xuất bản Giáo dục
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện Chính biên, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa
- Phan Thúc Trực (2009), Quốc sử di biên, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ a b Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr.259
- ^ Đại Nam thực lục, tập 1, tr.954
- ^ Đại Nam thực lục, tập 2, tr.313-314
- ^ Quốc sử di biên, tr.248
- ^ a b c Đại Nam thực lục, tập 4, tr.651
- ^ Vua bảo Nội các rằng : "Trước đây tướng giặc là Lê Duy Lương, Lê Duy Hiển mượn cớ là dòng phái nhà Lê, tập họp dân Thổ gây sự ở địa phương Ninh Bình và Thanh Hoa, nguỵ xưng danh hiệu, quấy rối nhân dân, nhiều lần đã phái quan quân bắt được, chém ngay, đáng chịu lấy tội. Vả họ hàng giặc ấy, theo luật phải tội lây, nhưng nghĩ dòng dõi còn lại của triều bị diệt, không nỡ đem giết hết, bèn chuẩn y lời bàn của các quan, an trí ở các địa phương trực tỉnh phía Nam, cho yên phận làm ăn, khỏi phải liên luỵ với lũ ác, vạ đến người hiền lành, đó là yêu, không phải là ghét. Lại dụ sai bộ Hộ chước lượng cấp cho ruộng và tiền, thực là nhân nghĩa rất mực. Lại nghĩ Thái Tổ và Thánh Tông nhà Lê đều có công đức với người, nay con cháu vì cùng họ chống lại giáo hoá nhà vua, nên phải dời đi, cũng là đáng thương. Vả mẹ đẻ của Thường Tín công Cự là con gái vua Hiển Tông nhà Lê, họ ngoại dây dưa, có ân tình ấy, nay họ Lê đã giải phát đến Kinh, chuẩn cho công ấy tự xuất của riêng 4.000 quan, đưa cho bộ Hộ chiểu theo nhân khẩu già trẻ đã giải đến mà chia cấp, rồi hiểu thị rõ ràng, cho đều đến nơi an trí ở yên, chớ nên trốn tránh, tự phạm tội lỗi, để cho toàn vẹn một đoạn ơn riêng ấy, triều đình phen này xử trí, đối với phép công tình riêng chu đáo như thế, thì công ấy đối với họ Lê, tình nghĩa đã hết, không nên đề cập đến nữa. Từ nay phàm các người họ Lê vĩnh viễn không cho đến trong công phủ, cho đến thư từ đi lại đều cấm. Công là người rất thân của Nhà nước, nên lấy công nghĩa làm trọng, nếu không biết cẩn thận, lánh sự hiềm nghi, tư tình theo bọn tiểu nhân, hoặc đến sinh thêm rắc rối, thì tội không thể chối được. Trẫm giữ lòng chí công, quyết không lấy ơn riêng bỏ phép nước, còn như họ Lê đã được đặc cách thương cho được toàn, từ nay nên giữ phép, đều giữ lấy thân, nếu lại cầu cạnh người quyền quý, thông đồng ngấm ngầm, có người giác ra, tất phải tội chết không tha".
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 190.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập 05). Bản dịch của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện sử học Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 2007.
- ^ a b c Đại Nam thực lục, tập 4, tr.656-657
- ^ Đại Nam thực lục, tập 5, tr.696
- ^ Đại Nam thực lục, tập 6, tr.66
- ^ Đại Nam thực lục, tập 6, tr.578
- ^ a b c d Đại Nam liệt truyện, tập 2, quyển 2: Truyện các hoàng tử – phần Thường Tín công Cự
- ^ Đại Nam thực lục, tập 7, tr.133
- ^ a b Đại Nam thực lục, tập 2, tr.277