Người Khiết Đan

Dân tộc diệt vong,có hậu duệ ở Trung Quốc

Khiết Đan hay Khất Đan (chữ Hán: 契丹) là âm Hán-Việt tên gọi của một dân tộc du mục Khitan (tiếng Ba Tư: ختن) (còn được phiên âm là Khitai hay Kidan), từng tồn tại ở Trung Á và Bắc Á. Dân tộc này từng phát triển thành tổ chức quốc gia Liêu quốc, tồn tại và kiểm soát phía bắc Trung Quốc giai đoạn 907-1125[1]. Sau khi bị người Nữ Chân đánh bại, họ chuyển sang phía tây và giữ được tổ chức nhà nước, được sử Trung Quốc gọi là Tây Liêu, các tài liệu phương Tây gọi là Hãn quốc Kara Khitai. Vương quốc này tồn tại từ 1125 cho đến khi bị đế quốc Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1218.

Nguồn gốc tên gọi

sửa

Các tài liệu sử của Trung Quốc cho rằng nguồn gốc của dân tộc Khiết Đan bắt nguồn từ một nhánh du mục Đông Hồ hoặc Hung Nô. Sách Ngụy thư lần đầu tiên ghi nhận, vào thời Bắc Ngụy, người Khiết Đan là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh, phát triển mạnh lên và di chuyển địa bàn sinh sống này dọc theo vùng thượng lưu sông Liêu.

Tuy nhiên, có rất nhiều giả thuyết về từ gốc tên gọi Khiết Đan. Chủ yếu có 3 giả thuyết cơ bản. Thuyết của Feng Jiasheng (Bằng Gia Sinh?) cho rằng nguyên tên Khitan là biến âm của tên một tộc du mục khác là tộc Yuwen (Vũ Văn)[2]. Zhao Zhenji (Triệu Chấn Kỷ?) thì cho rằng từ nguyên Khitan có nguồn gốc từ tiếng Xianbei (Tiên Ti) với ý nghĩa là "vùng đất của người Tiên Ti"[3]. Học giả người Nhật Otagi Matuo coi tên gốc Khiết Đan là "Xidan ", có nghĩa là "những người tương tự như người Hề[4]" hay "những người sống ở đất Hề" [5].

Từ Китай trong tiếng Nga, Cathay trong tiếng Anh, Catai trong tiếng Bồ Đào Nha, Catay trong tiếng Tây Ban Nha đều có nghĩa "Trung Quốc" và đều bắt nguồn từ tên gọi của dân tộc này.

Lịch sử

sửa

Hình thành và phát triển

sửa

Từ các giả thuyết trên đã dẫn đến những giả thuyết khác biệt về sự hình thành của dân tộc Khiết Đan[6]. Phổ biến nhất là người Khiết Đan vốn xuất phát từ tộc Tiên Ti, sau đó hình thành như một bộ lạc nhánh của tộc Khố Mặc Hề (Kumo Xi), sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Thủy thuộc thượng du sông Liêu (ngày nay là sông Tây Thích Mục Luân của vùng Nội Mông). Đến năm 388, họ phát triển hùng mạnh và chinh phục các bộ lạc xung quanh. Cùng với sự phát triển của tộc Tiên Ti trở thành vương triều Bắc Ngụy, kiểm soát miền Bắc Trung Quốc, tộc Khiết Đan cũng trở nên hùng mạnh và được ghi nhận lần đầu trong lịch sử.[7]

Thời kỳ liên minh bộ lạc

sửa

Suốt từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7, người Khiết Đan thường xuyên bị sự chèn ép từ phía Nam (các triều đình Bắc triều, nhà Tùy, nhà Đường). Thời vua Đường Thái Tông, chính quyền nhà Đường đã thiết lập Tùng Mạc Đô đốc phủ ở đây, đồng thời ban cho thủ lĩnh của họ (một người họ Lý) đảm nhận chức Đô đốc. Vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, tộc Khiết Đan dần dần lớn mạnh nhưng vẫn bị các dân tộc hùng mạnh lân cận ở phía Tây (Đột Quyết, Duy Ngô Nhĩ, thậm chí từ vương quốc Cao Câu Ly ở phía Đông, khống chế và gây áp lực. Để chống lại, từ những bộ lạc du mục nhỏ, sinh sống bằng chăn nuôi và đánh bắt cá, họ đã liên kết với nhau thành một liên minh 8 bộ lạc lớn. Cuối đời Đường, khi mà vùng Trung Nguyên bắt đầu bị chiến tranh loạn lạc thì người Khiết Đan nhân cơ hội này vùng dậy, trở thành một thế lực rất hùng mạnh ở vùng đất hoang vu phía Bắc (vùng Nội Mông), thường xuyên xâm nhập vào miền Bắc Trung Quốc để bắt người Hán về làm ruộng và thu thuế. Người Khiết Đan cũng bắt đầu học hỏi bắt chước người Hán cách thức tổ chức chính quyền và sáng chế văn tự.

Lập quốc và cường thịnh

sửa
 
Bản đồ vị trí giữa Liêu, TốngTây Hạ.

Năm 907, một thủ lĩnh của bộ lạc Điệt Thích tên là Da Luật A Bảo Cơ được bầu là thủ lĩnh của liên minh 8 bộ lạc. Sau khi nắm quyền thủ lĩnh tối cao, A Bảo Cơ đã dùng vũ lực để thống nhất 8 bộ lạc Khiết Đan, đồng thời xâm chiếm đất Đột Quyết, tiêu diệt tộc Hề, thu phục các bộ lạc nhỏ xung quanh. Năm 916, A Bảo Cơ tự xưng đế kiến quốc, xây dựng một quốc gia chủ nô - nô lệ. Quốc gia Khiết Đan được thành lập, ban đầu có quốc hiệu là Khiết Đan (916-947), sau đấy đổi quốc hiệu là Đại Liêu (947-983), rồi trở lại thành Khiết Đan (983-1066), cuối cùng lại trở lại là Liêu 1066 cho đến khi diệt vong.

Quốc gia Khiết Đan non trẻ nhanh chóng cường thịnh, nhiều lần xâm nhập Trung Nguyên, thậm chí từng đem quân tiêu diệt Hậu Đường (936), Hậu Tấn (947), tấn công Hậu Hán (950), Hậu Chu (951). Trong thời kỳ cường thịnh nhất, dân tộc này từng là chủ nhân của một đế quốc rộng lớn bao trùm cao nguyên Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc, phía Bắc tới tận hồ Baikal, phía Đông sát Sakhalin, phía Tây vượt dãy núi Altai, phía Nam tới các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay.

Do quản lý một quốc gia rộng lớn với nhiều sắc tộc khác nhau, người Khiết Đan đã hình thành một chính sách nổi tiếng về sau: "Một quốc gia, hai chế độ". Chính sách này được tóm tắt bằng câu "Dĩ Quốc chế trị Khiết Đan, dĩ Hán chế đãi Hán nhân" (已國制治契丹,已漢制待漢人). Quản lý người Khiết Đan thì dựa theo chế độ quý tộc bộ lạc Khiết Đan, quản lý người Hán thì dựa theo thể chế nhà Đường. Chính sách này đã đem lại hiệu quả to lớn, đặc biệt vào đầu thế kỷ 11, quốc gia Khiết Đan đã chuyển đổi hoàn toàn từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Quân đội Khiết Đan hùng mạnh, liên tục uy hiếp Bắc TốngTây Hạ, buộc hai quốc gia này phải thần phục.

Suy tàn và diệt vong

sửa

Đầu thế kỷ thứ 12, nước Liêu bước vào giai đoạn suy tàn. Năm 1114, một thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả, liên kết với Bắc Tống, mang đại quân cướp đất Đại Liêu, một năm sau dựng nên nhà Kim. Nhà Kim đã hạ lệnh giết sạch những người Khiết Đan phản kháng, trong đó có một cuộc chém giết kéo dài hơn 1 tháng. Đến năm 1125 thì hầu hết lãnh thổ Khiết Đan đã bị người Nữ Chân chinh phục. Một bộ phận dân tộc Khiết Đan ở lại lãnh thổ của họ, hòa huyết với người Nữ Chân. Một bộ phận người Khiết Đan khác theo hoàng thân Da Luật Đại Thạch di tản về phía Tây, dựng nên nước Ha Lạt Khiết Đan tức triều Tây Liêu ở giữa Trung Á và Tân Cương. Nước này cũng có một thời cường thịnh nhưng cuối cùng bị đại quân đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn tiêu diệt. Những tàn dân Khiết Đan lại chạy về miền Nam của Iran ngày nay lập nên vương triều Khởi Nhi Man (Qierman). Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi. Dưới sự cai trị của Mông Cổ, các cuộc chinh chiến liên miên khiến cho tộc người thiện chiến Khiết Đan phần lớn bỏ thây nơi chiến địa, số còn lại phân tán khắp nơi và nhanh chóng bị dân cư địa phương đồng hóa.

Hậu duệ của dân tộc Khiết Đan

sửa

Khiết Đan từng là một dân tộc lớn nhưng lại không có tên trong số 56 dân tộc Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên bằng phương pháp so sánh phương thức sản xuất, sinh hoạt, tập tục, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử và dùng kỹ thuật DNA các học giả đã chứng minh tộc người Đạt Oát Nhĩ (Dawr) cư trú tại vùng tiếp giáp giữa Đại Hưng An, Nộn Giang và thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ (Hulunbeier) chính là hậu duệ của dân tộc Khiết Đan.

Văn hóa và chữ viết

sửa

Dân tộc Khiết Đan từng sáng tạo ra chữ viết của riêng mình. Khi triều Kim vừa kiến lập, do tộc Nữ Chân không có văn tự riêng nên phải dùng chữ Hán và chữ Khiết Đan. Sau khi văn tự Nữ Chân được tạo ra thì hoàng đế triều Kim hạ lệnh phế bỏ chữ Khiết Đan, chính vì thế mà văn tự Khiết Đan thất truyền.

Dân tộc Khiết Đan từng xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ. Thể hiện rõ nét nhất nền văn hóa này là những chùa Liêu và tháp Liêu. Hiện ở khu vực phía bắc Hoàng Hà còn chùa Cổ Phật và Phật tháp nguy nga hùng vĩ của dân tộc Khiết Đan. Trải qua ngàn năm mưa gió nó vẫn uy nghi, vững chãi như mới. Đặc biệt, tháp Thích Ca ở huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây hiện nay là kiến trúc tháp bằng gỗ cổ nhất và cao nhất thế giới. Dù đã trải qua nhiều trận động đất mạnh mà vẫn không bị hư hỏng.

Ngôn ngữ Khiết Đan (còn gọi là Liêu, Kitan [ISO 639-3]) ngày nay gần như tuyệt chủng giống như sự tồn tại của những người Khiết Đan.

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ “Kingdom of Khitans: Sudden Rise, Sudden Fall”. China Daily. ngày 19 tháng 6 năm 2003. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2008.
  2. ^ Xu Elina-Qian 2005, p.7.
  3. ^ Xu Elina-Qian 2005, p.8.
  4. ^ Còn gọi là người Xi hay Kumo Xi
  5. ^ Xu Elina-Qian 2005, p.8-9.
  6. ^ Status of Research and Research Direction of Khitan Studies
  7. ^ Xu Elina-Qian 2005, p.258

Nguồn tham khảo

sửa

Tiền Khiết Đan

  • MATSUI, Hitoshi 松井等 (Japan). "Lịch sử phát triển Khiết Đan" (契丹勃興史). Mamden chiri-rekishi kenkyu hokoku 1 (1915).
    Bản dịch Hán văn của Lưu Phượng Chứ (劉鳳翥), trong Tuyển tập "Dân tộc sử dịch văn tập" (民族史譯文集) 10 (1981). Repr. in: Sun, Jinji et al. 1988 (vol. 1), pp. 93–141
  • Trần Thuật (陳述). "Khiết Đan Sử luận chứng cảo" (契丹史論證稿). Sở nghiên cứu sử học, Viện Nghiên cứu trung ương Bắc Kinh, 1948.
  • Trần Thuật (陳述). "Khiết Đan Xã hội kinh tế sử cảo" (契丹社會經濟史稿). Nhà xuất bản Tam Liên, Thượng Hải, 1963.
  • Feng, Jiasheng 1933.

Triều đại Liêu quốc

  • Thư Phần (舒焚), "Liêu sử cảo" (遼史稿). Nhà xuất bản Nhân dân Hồ Bắc, Vũ Hán, 1984.
  • WITTFOGEL, Karl & FENG, Chia-sheng. History of Chinese Society: Liao (907-1125). Philadelphia: American Philosophical Society, 1949.

Hậu Khiết Đan

  • Biran, Michal. The Empire of the Qara Khitai in Eurasian History: Between China and the Islamic World, ISBN 0-521-84226-3

Các tài liệu sử học cùng thời kỳ

Khác