Đèn âm hồn
Chủ đề của bài viết này có thể không thỏa mãn chỉ dẫn chung về độ nổi bật. |
Đèn âm hồn (tên tiếng Anh: The Soul Lantern) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại kinh dị - tâm linh - chính kịch ra mắt năm 2025 dựa trên tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của danh sĩ Nguyễn Dữ, do Challenge Me Studios sản xuất. Bộ phim do Hoàng Nam làm đạo diễn. Đây là bộ phim đầu tay do chính anh làm đạo diễn. Phim có sự tham gia của Syni Trang, Phú Thịnh, Hoàng Kim Ngọc, Tuấn Mõ, Đình Khang, Kiều Trinh, Hạo Khang...
Đèn Âm Hồn
| |
---|---|
![]() Áp phích chiếu rạp của phim | |
Đạo diễn | Hoàng Nam |
Kịch bản | Hoàng Nam |
Dựa trên | Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ |
Sản xuất | Nguyễn Cao Tùng |
Diễn viên | Syni Trang Phú Thịnh Hoàng Kim Ngọc Tuấn Mõ Đình Khang Kiều Trinh Huỳnh Hạo Khang |
Dựng phim | Nghĩa Bùi Hoàng Nam |
Âm nhạc | Nguyễn Văn Chung Đông Thiên Đức Nguyễn Ngọc Thưởng Phúc Bồ |
Hãng sản xuất | Challenge Me Studios |
Phát hành | CJ CGV |
Công chiếu |
|
Thời lượng | 101 phút |
Quốc gia | ![]() |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Doanh thu | 81.8 tỷ VNĐ[1] |
Nội dung
sửaLấy bối cảnh chính ở miền quê Bắc Bộ, giữa thời điểm đất nước đang có chiến tranh, trai tráng trong làng đã xung trận, hầu như chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em ở lại. Thương một tay chăm sóc mẹ chồng và con thơ. Sau khi người mẹ qua đời, cô ở cùng con trai tên Lĩnh, lúc này đã khoảng 4, 5 tuổi. Một ngày, cậu nhặt được một cây đèn cũ và bắt đầu xem cái bóng người của bản thân mình trên tường là cha của mình. Ban đầu cứ nghĩ chỉ là trò đùa của trẻ con nên không có chuyện gì đáng nói, nhưng sau đó, những hiện tượng rùng rợn liên tục xảy ra như giọng nói thì thầm trong đêm, bóng người xuất hiện nơi góc tối và những cái chết bí ẩn bao quanh ngôi làng. Cô đồng trong làng cho rằng cái đèn mà Lĩnh nhặt được chính là một cái đèn âm hồn, thứ có thể triệu hồi ác linh. Không chỉ vậy, nó còn là chìa khóa mở ra “Chốn Tâm Thức” – nơi kết nối âm thế và dương thế, nơi ác quỷ và cô hồn chưa siêu thoát tìm đường trở lại nhân gian.[2] Do đó, Thương và dân làng buộc phải tìm cách dập tắt nó trước khi mọi thứ trở thành địa ngục.[3]
Diễn viên
sửa- SyNi Trang trong vai Thương
- Phú Thịnh trong vai Đinh - Chồng của Thương
- Bé An Bình trong vai bé Lĩnh
- Hoàng Kim Ngọc trong vai cô đồng Liễu
- Hải Anh trong vai Sùng
- Phạm Tuấn Anh trong vai Hường
- Đình Khang trong vai Tưởng
- Huỳnh Hạo Khang trong vai Sửu
Sản xuất
sửaPhát triển
sửaLấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, bộ phim không chỉ dừng lại ở yếu tố kinh dị mà còn là hành trình khám phá bản sắc văn hóa Việt. Những tục lệ như lễ trừ tà, chơi cầu cơ, sự tích chiếc khăn trắng bắc qua sông và các tục lệ khác được lồng ghép khéo léo, tạo nên một thế giới huyền bí nhưng đậm chất dân gian. Đạo diễn Hoàng Nam cho biết: "Những cảnh đó được tôi lấy cảm hứng từ đạo Mẫu, từ lễ nhảy lửa của người Dao, và đặc biệt là nguyên mẫu là chính bà nội - người có những kết nối với tâm linh, đã ăn sâu vào trong đầu tôi từ bé".[4]
Bối cảnh phim được xây dựng công phu với những địa danh hùng vĩ của miền Bắc, đặc biệt là xứ Cao Bằng. Khung hình đẹp, ánh sáng và màu sắc trong phim tạo nên một không gian huyền bí nhưng vẫn rất chân thực, làm nổi bật bối cảnh cổ xưa và những nghi lễ truyền thống.[5] Phim có những cú máy flycam giới thiệu đại cảnh nơi núi rừng Cao Bằng như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần. Đạo diễn đã chi hơn 5 tỷ đồng để dựng phim trường tái hiện ngôi làng nơi Thương sinh sống, với cảnh mái tranh vách đất, chợ phiên. Qua đó, phim gợi cảm giác chân thật về hình tượng, trang phục nhân vật, dù không đi sâu vào các tình tiết về đời sống thôn quê xưa.
Quay phim
sửaTheo đạo diễn Hoàng Nam, bốn lần phim trường chìm trong nước vì mưa bão, đặc biệt là khi nước sông dâng cao vì lũ khiến chi phí thực hiện ước tính tăng gấp đôi, Dù đã lựa chọn được bối cảnh phù hợp nhưng chỉ trong ba tháng xây phim trường và bấm máy, đoàn làm phim liên tiếp gặp những thách thức vì thời tiết, đặc biệt là giai đoạn siêu bão Yagi tiến vào miền Bắc.[6] Anh cũng chia sẻ:
Ngày quay cuối cùng của bộ phim cũng là ngày phim trường ngập trong nước vì ảnh hưởng của bão Yagi. Có lẽ đây là phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên có tới năm lần gặp thiên tai. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy thiếu đi một vài công trình trên phim trường nhưng cũng đã rất hạn chế so với mất mát của nhiều địa phương khác.
Trước bão Yagi, phim trường từng ba lần ngập nước vì mưa lũ. Lần đầu tiên là ngày 26 tháng 6, khi đoàn phim mới bắt tay vào xây dựng bối cảnh, mưa lũ to ảnh hưởng tới bối cảnh phim. Thời gian bấm máy phải lùi lại một tháng.
Ngày 29 tháng 7, khi phim trường đang trong giai đoạn sắp hoàn thiện, vì mưa lớn làm khiến ekip phải kéo dài thời gian làm việc thêm một tuần. Đoàn phim quyết định giữ ngày bấm máy là ngày 12 tháng 8 nhưng ở bối cảnh khác, chờ tới ngày 20 tháng 8 để hoàn thiện.[6]
Gần một tháng sau, đoàn phim phải luân chuyển bối cảnh quay trong studio và thời gian đóng máy đã tăng thêm một ngày. Những cơn mưa đêm kéo dài khiến phim trường ngập trong nước và bùn lầy, nước tiếp tục dâng cao những ngày sau đó, cuốn trôi nhiều hạng mục. Ngoài ra, cơn giông lốc ngày 3 tháng 9 đến bất ngờ và khá mạnh cũng gây thiệt hại nặng cho phim trường, một số thiết bị điện tử bị hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Âm nhạc
sửaĐÈN ÂM HỒN Original Motion Picture Soundtrack | |
---|---|
Album soundtrack của Nhiều nghệ sĩ | |
Phát hành | 2025 |
Thể loại | Nhạc phim |
Thời lượng | 11:32 |
Hãng đĩa | Believe |
STT | Nhan đề | Sáng tác | Trình bày | Thời lượng |
---|---|---|---|---|
1. | "Em mong anh về nhà" | Đông Thiên Đức | Lê Thúy Anh | 5:34 |
2. | "Đừng xa con" | Nguyễn Văn Chung | Trương Gia Minh | 3:41 |
3. | "Trục vong" | Phúc Bồ | Phúc Bồ | 2:17 |
Tổng thời lượng: | 11:32 |
Phát hành
sửaBan đầu phim được dự kiến công chiếu vào ngày 29 tháng 1 năm 2025 (tức mùng 1 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025). Tuy nhiên vì các bộ phim Tết ra mắt cùng ngày quá lấn át so với phim nên phim phải dời sang mùng 10 Tết Nguyên Đán, tức ngày 7 tháng 2 năm 2025.
Đón nhận
sửaDoanh thu
sửaTrước khi phim được ra mắt thì phim nhận được 40 nghìn vé đặt trước. Với thành tích đó, phim lọt vào danh sách phim điện ảnh Việt Nam có số vé đặt trước cao nhất năm 2025, chỉ sau Bộ tứ báo thủ. Phim chính thức được ra mắt vào ngày 7 tháng 2, khi đấy thì Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành và Nụ hôn bạc tỷ của Thu Trang còn đang đối đầu với nhau. Tuy ra mắt trong khoảng thời gian khó khăn, nhưng vào ngày đầu chiếu, phim đạt hơn 8 tỷ đồng, tổng cộng tính cả vé đặt trước là hơn 15 tỷ.[7] Đây là một thành tích không phải đạo diễn đầu tay nào cũng làm được. Đến ngày thứ 2, phim đạt hơn 365 nghìn vé, và hơn 1000 suất chiếu được tăng thêm. Đến ngày thứ 3, phim chính thức đạt hơn 40 tỷ. Trưa ngày 10 tháng 2, phim chính thức đạt 50 tỷ.[8] Tổng ngày thứ 4, phim đạt được 57 tỷ đồng. Sang ngày 11 tháng 2, theo số liệu của Box Office Vietnam, tổng doanh thu phim nâng lên 65.4 tỷ đồng. Sau 1 tuần ra mắt, ngày 13 tháng 2, Đèn âm hồn dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu trong ngày với hơn 72,6 nghìn vé được bán ra và thu về tổng cộng 78,7 tỷ đồng.[9]
Đánh giá chuyên môn
sửaNhà báo Ngô Bá Lục nhận xét: "Các góc máy, độ mượt và các khớp nối mạch phim rất nhuyễn. Màu phim hơi u tối thể hiện sự liêu trai, đúng như ý đồ và tính chất phim. Sử dụng ánh sáng rất hợp lý và đạt hiệu quả cao. Cảnh quay đẹp, các khung hình đều đẹp và ấn tượng."
Nhận xét về Đèn âm hồn, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bày tỏ:
Bộ phim này được làm rất kỹ lưỡng và chỉn chu. Không dễ để có một tác phẩm kinh dị mang màu sắc tâm linh được đầu tư nghiêm túc như vậy.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm đánh giá cao tay nghề đạo diễn Hoàng Nam, thậm chí nhận định rằng Đèn âm hồn có tham vọng điện ảnh rõ ràng và đáng để kỳ vọng. Anh nhấn mạnh:
Thiết kế bối cảnh, phục trang, quay phim, dựng phim – tất cả đều cho thấy sự dụng công và tâm huyết của ekip. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam.
Tranh cãi
sửaTác quyền
sửaBên cạnh sự đón nhận của khán giả khi đi xem phim, phim cũng dính vào nghi vấn đạo nhái khi có một số chi tiết giống với các phim kinh dị của quốc tế, như cảnh lễ trừ tà trong phim bị cho là giống Exhuma: Quật mộ trùng ma. Cảnh hồn lìa khỏi xác để du hành tới thế giới khác cũng bị cho là giống với Quỷ quyệt.[10]
Với những lời chỉ trích từ cư dân mạng, đạo diễn Hoàng Nam bộc bạch rằng anh chưa xem Quỷ quyệt nhưng đã xem Exhuma, anh khẳng định: "Với múa lên đồng trong đạo Mẫu, nếu cắt đi một đoạn rồi bảo điệu múa này là đạo nhái của Hàn Quốc, thì rõ ràng không đúng. Cảnh làm lễ trừ tà được tôi lấy cảm hứng từ những buổi lễ hầu đồng và pháp sư ở Việt Nam. Mục đích của tôi là để những yếu tố trong phim không giống với bất kỳ tôn giáo hay nền văn hóa nào, tránh việc gây tranh cãi".[11]
Anh còn cho biết thêm: "Như tôi nói ngay từ đầu, Đèn âm hồn không muốn cạnh tranh với ai cả. Được làm với tâm huyết và đam mê đem đến cho khán giả sự tự hào rằng, văn hoá, phong cảnh Việt Nam lên điện ảnh tuyệt như nào và hoàn toàn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng vì phát hành đúng thời điểm các phim "đấu đá" nhau nên vô tình Đèn âm hồn - một "tân binh" có được thành công bất ngờ vào tầm ngắm."[4]
Chất lượng
sửaNội dung
sửaVới chất liệu tốt, phim khởi đầu thuận lợi khi thành công đánh thức sự tò mò của người xem về những sự kiện bí ẩn đang diễn ra ở ngôi làng. Song, việc hé lộ đầu não của mọi rắc rối quá vội vàng khiến câu chuyện tâm linh đánh mất sức bí ẩn cần có. Hành trình điều tra cũng như đối phó với thế lực tà ma tỏ ra nhạt nhòa, thiếu những phát hiện đặc biệt khiến khán giả ấn tượng. Phim dần luẩn quẩn trong những tuyến truyện bị xé lẻ, từ việc khám phá bí mật cây đèn của chị em cô đồng Liễu, ác mộng gieo rắc lên ngôi nhà của mẹ con Thương, cho tới những bi kịch khi người chồng trở về, vì hiểu lầm lời con mà nghi ngờ vợ phản bội,...[12]
Đèn âm hồn cũng thất bại trong việc thúc đẩy nỗi sợ và sự bất an - yếu tố quan trọng làm nên thành công của một tác phẩm thuộc dòng kinh dị. Bộ phim không duy trì được bầu không khí u ám, lại bị pha loãng bởi những mảng miếng hài được cài cắm vô tội vạ. Những cảnh hù dọa dễ đoán, trong khi dàn diễn viên tái hiện nỗi sợ bằng cách trợn tròn mắt, miệng thở hổn hển hay la hét ầm ĩ, lặp đi lặp lại.
Ngoài ra, nhân vật Thương (do SyNi Trang đóng) cũng bị chê là phác họa hời hợt từ cuộc sống thường ngày, tính cách cho tới hành trình đấu tranh tâm lý trước những ngã rẽ, biến cố. Sự tảo tần, chịu thương chịu khó của cô gái một thân nuôi mẹ chồng và con thơ hoàn toàn chưa được tái hiện. Người xem chỉ biết cô bán rau qua cuộc hội thoại diễn ra chớp nhoáng giữa cô đồng Liễu và người đàn bà ở chợ.[13]
Cảnh sinh hoạt hàng ngày của Thương lại càng mờ nhạt, khi nhân vật chỉ quanh quẩn nằm ngủ và mơ thấy ác mộng. Cũng chẳng có biểu hiện thuyết phục nào thể hiện cô thực sự thương nhớ, ngóng trông chồng sau thời gian dài không gặp, chẳng rõ sống chết. Tới khi Lĩnh trở về, mâu thuẫn trong nhân vật càng lộ rõ. Thương miệng nói nhớ chồng, nhưng ngược lại thái độ của cô lại dửng dưng, biểu cảm khi diễn thô cứng, nên đối với anh như hai người xa lạ chứ không phải cặp vợ chồng vừa đoàn tụ. Từ đó bi kịch xảy ra gượng ép, khó thuyết phục người xem.[12]
Diễn xuất
sửaDù đảm nhận vai chính của Đèn âm hồn nhưng nhiều khản giá nhận xét nam diễn viên Phú Thịnh (đóng vai Đinh) có diễn xuất đơ, biểu cảm gượng gạo và có phần lố khi anh chàng trợn mắt, quát mắng.[14] Trên mạng xã hội lan truyền phân cảnh Đinh bế con trai là Lĩnh lội sông tìm Thương. Đáng nói, đoạn video trở nên nổi tiếng vì tình tiết vô lý khi Đinh đi lính nhiều năm nhưng khi trở về nhìn thấy vợ con, anh lại tỏ ra hờ hững, thậm chí chỉ vì vài lời nói của con trai mà oán trách, ra tay đánh vợ. Cảm xúc nhân vật thay đổi chóng mặt, hoàn toàn mang tính sắp đặt, đơn cử như việc phút trước thẳng tay tát vợ trong cơn ghen tức nhưng ngay sau đó đã hối hận, tiếc thương.[12] Đặc biệt là diễn xuất non nớt của Phú Thịnh khiến khán giả phải bật cười - một trong những điều chí tử của một bộ phim kinh dị.
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ “Doanh số phòng vé phim Đèn Âm Hồn”. Box Office Vietnam. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Đèn Âm Hồn - Phim Tết 2025 của Đạo diễn Hoàng Nam”. 18 tháng 1 năm 2025. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Review phim Đèn Âm Hồn: Đủ làm hài lòng khán giả dễ tính”. BlogAnChoi. 6 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b danviet.vn (12 tháng 2 năm 2025). “Đạo diễn "Đèn âm hồn" kêu cứu vì bị tấn công, mong chính quyền vào cuộc”. danviet.vn. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Điều gì khiến 'Đèn âm hồn' thu gần 73 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp?”. thethaovanhoa.vn. 13 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b VnExpress. “Phim trường 'Đèn âm hồn' nhiều lần ngập vì mưa bão”. vnexpress.net. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 11 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Phim kinh dị "Đèn âm hồn" bất ngờ vượt doanh thu phim Trấn Thành, Thu Trang”. Dân Trí. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2025.
- ^ “'Đèn âm hồn' vượt mặt phim của Trấn Thành với doanh thu ấn tượng”. Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2025.
- ^ “'Đèn âm hồn' bị chê tả tơi, doanh thu vẫn top 1 phòng vé”. Cười Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Đèn âm hồn bị nghi đạo nhái, đạo diễn nói 'thật nực cười, ai chưa xem mới phát biểu vậy'”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2025.
- ^ “"Đèn âm hồn" gây sốt nhưng vướng nghi vấn đạo nhái, đạo diễn nói gì?”. Dân Trí. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c “Phim "Đèn âm hồn" của Hoàng Nam hình ảnh ổn, nội dung thảm họa”. 12 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Nhặt sạn "Đèn âm hồn" đang vượt suất chiếu phim Trấn Thành”. Lao Động. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2025.
- ^ “Nam chính điển trai của 'Đèn âm hồn' nói gì khi bị chê bai diễn xuất?”. Thanh Niên. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
Liên kết ngoài
sửa- Đèn âm hồn trên Facebook
- Trailer chính thức trên YouTube
- Đèn âm hồn trên Internet Movie Database