Cách mạng Tháng Mười

cuộc cách mạng diễn ra ở Nga năm 1917

Cách mạng Tháng Mười,[b] còn được gọi là Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại[c] trong các sử liệu Liên Xô; các tên gọi khác được sử dụng rộng rãi trong giới sử học trong và ngoài nước: Cuộc đảo chính Tháng Mười, Khởi nghĩa Bolshevik, Khởi nghĩa Tháng Mười, "Tháng Mười đỏ", "Tháng Mười vĩ đại", là một cuộc cách mạng nổ ra ở Petrograd vào ngày 25 tháng 10 năm 1917 theo Lịch Julius được dùng ở Nga lúc bấy giờ, tức ngày 7 tháng 11 theo Lịch Gregorius, kết quả là lật đổ Chính phủ Lâm thời và thiết lập chính quyền Xô viết. Trong giới sử học, sự kiện này được xem xét hoặc là một sự kiện lịch sử độc lập, hoặc là sự tiếp nối của Cách mạng Tháng Hai.

Cách mạng Tháng Mười
Một phần của Cách mạng NgaCác cuộc cách mạng 1917–1923

Cung điện Mùa Đông tại Petrograd, một ngày sau cuộc khởi nghĩa, 8 tháng 11.
Thời gian7 tháng 11 năm 1917 [lịch cũ 25 tháng 10]
Địa điểm
Kết quả
  • Bolshevik giành chiến thắng
Tham chiến
Chỉ huy và lãnh đạo
Lực lượng
  • 10.000 thủy thủ Hồng quân
  • 20.000–30.000 binh sĩ Cận vệ Đỏ
  • Số lượng công nhân không xác định[a]
  • 500–1.000 binh sĩ tình nguyện
  • 1.000 binh sĩ thuộc tiểu đoàn nữ quân nhân
Thương vong và tổn thất
Một số ít lính Cận vệ Đỏ bị thương[3] Tất cả đều bị bắt hoặc đào ngũ

Chính phủ Lâm thời đã bị lật đổ trong cuộc khởi nghĩa vũ trang diễn ra từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 10 (theo lịch cũ, tức ngày 7 đến ngày 8 tháng 11 theo lịch mới) tại Petrograd. Những người tổ chức chính cuộc khởi nghĩa này là Vladimir Lenin, Lev Trotsky, Yakov Sverdlov, Vladimir Antonov-Ovseyenko, Pavel Dybenko, Lev Kamenev, Nikolai Podvoisky và những người khác. Việc chỉ đạo trực tiếp việc giành chính quyền được thực hiện bởi Ủy ban Quân sự Cách mạng Xô viết Petrograd, trong đó cũng bao gồm các đảng viên Xã hội Cách mạng cánh tả. Kết quả cuộc khởi nghĩa vũ trang, chính quyền đã được chuyển giao cho một chính phủ mới được thành lập bởi Đại hội Xô viết Toàn Nga lần thứ II, với đa số tuyệt đối các đại biểu là những người Bolshevik (Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (Bolshevik)) và các đồng minh là những người Xã hội Cách mạng cánh tả, được sự ủng hộ từ một số tổ chức dân tộc, một bộ phận nhỏ những người Menshevik quốc tế và một số nhà vô chính phủ. Vào tháng 11 năm 1917, chính phủ mới cũng nhận được sự ủng hộ của đa số đại biểu tại Đại hội Bất thường các Đại biểu Nông dân.

Kết quả cuộc cách mạng, cơ cấu kinh tế-xã hội nước Nga đã thay đổi một cách căn bản. Xã hội tư bản chủ nghĩa bị phá vỡ một cách bạo lực, và một hướng đi mới được thiết lập nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thay đổi toàn cầu trong hệ thống quan hệ quốc tế đã diễn ra, các quá trình cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới cũng được đẩy nhanh.[4].

Tên gọi

sửa

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu vào ngày 25 tháng 10 năm 1917 theo lịch Julian, được sử dụng tại Nga vào thời điểm đó. Mặc dù lịch Gregory (lịch mới) đã được áp dụng từ tháng 2 năm 1918 và kỷ niệm đầu tiên (cũng như các kỷ niệm sau này) được tổ chức vào ngày 7-8 tháng 11, cuộc cách mạng vẫn được gắn liền với tháng 10, điều này đã được phản ánh trong tên gọi cuộc cách mạng.

Ngay từ đầu, những người Bolshevik và các đồng minh đã gọi sự kiện tháng 10 là "cách mạng". Ví dụ, tại cuộc họp Xô viết Petrograd các đại biểu công nhân và binh lính vào ngày 25 tháng 10 (7 tháng 11) năm 1917, Lenin đã tuyên bố nổi tiếng: "Các đồng chí! Cuộc cách mạng công nhân và nông dân, điều mà những người Bolshevik đã luôn nói về sự cần thiết của nó, đã thành công!".[5] Và sau đó ông còn nhấn mạnh thêm: "Trong luật được ban hành bởi chính phủ của chúng ta vào ngày 26 tháng 10 (theo lịch cũ) năm 1917, ngay ngày hôm sau cuộc cách mạng".[6]

Thuật ngữ "Cách mạng Tháng Mười vĩ đại" lần đầu tiên xuất hiện trong tuyên ngôn được Fyodor Raskolnikov công bố nhân danh phe Bolshevik tại Quốc hội Lập hiến.[7] Đến cuối những năm 1930, thuật ngữ "Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại" (tiếng Nga: Великая Октябрьская социалистическая революция)[8] đã được khẳng định trong sử học chính thống Liên Xô. Trong thập kỷ đầu tiên sau cách mạng, sự kiện này thường được gọi là "Cuộc đảo chính Tháng Mười" (tiếng Nga: Октябрьским переворотом), và tên gọi này không mang ý nghĩa tiêu cực (ít nhất là trong cách nói của chính những người Bolshevik) và được coi là mang tính khoa học hơn trong khái niệm về một cuộc cách mạng thống nhất năm 1917. Vladimir Lenin, trong bài phát biểu tại phiên họp Ủy ban Chấp hành Trung ương toàn Nga (VTsIK) ngày 24 tháng 2 năm 1918, đã nói: "Tất nhiên, thật dễ chịu và nhẹ nhõm khi nói với công nhân, nông dân và binh lính, thật dễ chịu và nhẹ nhõm khi chứng kiến cách cuộc cách mạng tiến lên sau Cuộc đảo chính Tháng Mười...".[9] Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong các tác phẩm của Lev Trotsky, Anatoly Lunacharsky, Dmitry Furmanov, Nikolai Bukharin, Mikhail Sholokhov[10]; và trong bài viết của Stalin nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Mười (1918), một phần bài viết có tiêu đề "Về cuộc đảo chính Tháng Mười" (tiếng Nga: Об октябрьском перевороте).[11] Tuy nhiên, sau này, từ "đảo chính" bắt đầu được liên kết với âm mưu và việc giành chính quyền bởi một nhóm nhỏ (tương tự như các cuộc đảo chính cung đình), khái niệm về hai cuộc cách mạng riêng biệt được củng cố, và thuật ngữ này đã bị loại bỏ khỏi sử học chính thống.[d] Thay vào đó, cụm từ "đảo chính Tháng Mười" bắt đầu được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa tiêu cực trong các tác phẩm văn học phê phán chính quyền Xô viết: trong các nhóm người di cư và bất đồng chính kiến, và kể từ thời kỳ Perestroika (cải tổ), nó cũng xuất hiện trong báo chí hợp pháp[e]. Thuật ngữ "đảo chính Tháng Mười" vẫn được sử dụng trong một số ấn phẩm khoa học hiện đại, chẳng hạn như trong sách giáo khoa "Lịch sử Nga. Thế kỷ XX" do Andrei Zubov biên soạn (2009) hoặc trong tập 5 bộ từ điển "Nhà văn Nga. 1800–1917" (2007). Triết gia Anatoly Butenko sử dụng cụm từ "cuộc đảo chính cách mạng".[12]

Bối cảnh

sửa

Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga dưới thời Sa Hoàng đã tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là một trong những cuộc chiến tranh quyết liệt, quy mô to lớn trong lịch sử nhân loại. Chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra giữa hai khối liên minh quân sự, được hình thành sau thế kỷ XIX. Một bên là liên minh ba Đế quốc: Anh, PhápNga, còn gọi là khối Hiệp ước, sau này thêm Hoa Kỳ, bên kia là các Đế quốc mới nổi: Đức, Áo-Hung, Ottoman. Theo sự phân tích của Lenin, nguyên cớ dẫn đến cuộc chiến này là do sự lớn mạnh của Đế quốc Đức, khiến nước này tham vọng chiếm lĩnh thuộc địa và chia lại thị trường thế giới. Nhưng tham vọng này gặp phải sự phản kháng của các nước Anh, Pháp và Nga. Các đế quốc già này về cơ bản đã chiếm lĩnh các thuộc địa bao la khắp thế giới và muốn duy trì quyền thống trị của mình, không muốn chia phần cho những thế lực mới nổi như Đức. Sự mâu thuẫn mang tính chất đế quốc chủ nghĩa đòi hỏi một cuộc chiến tranh để phân ngồi thứ, lập lại trật tự thế giới. Với mục đich thể hiện sức mạnh và giành thuốc địa, các nước đế quốc châu Âu đã gây ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến năm 1918. Kết quả không có một quốc gia châu Âu nào giành chiến thắng trong cuộc chiến này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của. Và điều quan trọng, cuộc chiến đã làm sụp đổ các đế chế hùng mạnh của châu Âu và thế giới lúc đó.

Với Đế quốc Nga, lệnh điều động người tham gia nhập ngũ đã làm cho sản xuất nông nghiệp thiếu nhân lực nghiêm trọng, khiến nền kinh tế ngày càng suy thoái. Nạn mất mùa đói kém xảy ra khắp nơi, sản xuất công nghiệp cũng đình đốn, nạn thất nghiệp tăng nhanh, nền tài chính Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng. Để có tiền chi dùng cho cuộc chiến, triều đình liên tục trưng thu những loại thuế mới, và tổ chức bán quốc trái cho nhân dân. Quân lính Nga ngoài mặt trận chịu những tổn thất, thương vong lớn khiến họ căm thù tầng lớp sĩ quan quý tộc, mâu thuẫn của quân đội Nga rất lớn. Đến năm 1917, người dân Nga đã quá căm giận giới cầm quyền, không chịu được gánh nặng chiến tranh.

Ngày 8/3/1917 (tức 23/2 theo lịch cũ Julius của Nga), Cách mạng Tháng Hai đã nổ ra. Cách mạng Tháng Hai về tính chất là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới có sự tham gia lãnh đạo của giai cấp vô sản (Đảng Bolshevik) do Lenin lãnh đạo. Cách mạng tháng Hai đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của các Sa Hoàng trị vì hơn 300 ở nước Nga.

Sau Cách mạng Tháng Hai, tình hình nước Nga tồn tại song song hai chính quyền đó là: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và chính quyền của các Xô viết đại biểu công nhânbinh lính. Trên thực tế sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề đã hứa trước đó như vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực và nhất là quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng.

Trái với kỳ vọng của người dân Nga, lãnh đạo chính phủ lâm thời là Alexander Kerensky vẫn muốn nước Nga tiếp tục tham gia Thế chiến thứ nhất để tranh giành quyền lực với Đế quốc ĐứcĐế quốc Áo – Hung, bất kể việc đất nước đã trở nên kiệt quệ và thương vong của binh sĩ đã quá lớn (tới giữa năm 1917, gần 2 triệu lính Nga đã tử trận và khoảng 5 triệu bị thương). Tâm lý phản chiến dâng cao trong binh sỹ, người dân ở hậu phương cũng bất bình vì hy vọng có được hòa bình đã tan vỡ.

Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ của Đảng Bolshevik, Vladimir Ilyich Lenin từ Thụy Sĩ trở về nhà ga Phần Lan ngày 3 tháng 4 năm 1917 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân Petrograd. Ngày 4 tháng 4 năm 1917, Lenin đọc một bài phát biểu quan trọng có nhan đề "Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay". Bản báo cáo này đã đi vào lịch sử với tên gọi "Luận cương tháng Tư" chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lenin chỉ rõ rằng cần phải chấm dứt tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại bằng cách chuyển giao chính quyền về tay các Xô viết: "Điều độc đáo trong thời sự nước Nga chính là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng là giai đoạn đã đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng là giai đoạn phải đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân". Về phương pháp đấu tranh, Lenin viết: "Vũ khí ở trong tay nhân dân, không có sự cưỡng bức nào từ bên ngoài đối với nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển và hòa bình của cách mạng". Tuy nhiên, Lenin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi, nếu các Xô viết bị tấn công.

Sau bản Luận cương tháng Tư của Lenin, dưới sự lãnh đạo cảu Đảng Bolshevik, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã thực hiện rất nhiều các cuộc xuống đường biểu tình với khẩu hiểu "Tất cả chính quyền về tay các Xô Viết", "Hòa bình, ruộng đất, bánh mì". Từ mùa thu năm 1917, nước Nga tiếp tục lún sâu cuộc khủng hoảng trậm trọng, nận đói đã xây ra ở nhiều vùng trên khắp đất nước nhất là tại cấc thành phố. Ngoài mặt trận, quân đội Nga tan rã hàng loạt, quân đội Đức liên tiếp chiếm được nhiều vùng lãnh thổ của Nga. Trong hoàn cảnh đó, người dân Nga ngày càng bất mãn với chính quyền lâm thời.

Ngày 18 tháng 6 (1 tháng 7), phái MenshevikĐảng Xã hội Cách mạng đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng để biểu dương lực lượng nhưng phái Bolshevik đã tham gia cuộc biểu tình này và biến nó thành cuộc biểu tình ủng hộ đường lối Bolshevik với các khẩu hiệu: "Đả đảo chiến tranh", "Tất cả chính quyền về tay các Xô viết".

Ngoài mặt trận, Cuộc tổng tấn công của Kerensky, một chiến dịch tổng tấn công lớn của quân Nga theo lệnh của Chính phủ lâm thời vào liên quân Đức, Áo-Hung đã thất bại nặng nề với 60.000 binh lính Nga bị bắt hoặc bị giết, hơn 200.000 người bị thương. Tin thất bại gây sự căm phẫn và bất bình rất lớn trong nhân dân Nga.

Ngày 3 tháng 7, hơn 500.000 nhân dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay Xô viết nhưng Chính phủ lâm thời đã từ chối và ra lệnh cho binh lính bắn vào đoàn biểu tình, làm hơn 1.000 người chết và 2.000 người bị thương. Sau đó, Chính phủ Lâm thời công khai đàn áp các phong trào đấu tranh của quần chúng, khủng bố các Xô Viết. Các nhà in và nhà báo bị cấm đưa tin về vụ đàn áp. Chính phủ ra lệnh truy nã Lenin để đưa ra tòa, các đơn vị cách mạng bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận. Lenin rút vào hoạt động bí mật tại vùng Pazzliv, Phần Lan. Từ nơi họat động bí mật, Lenin thường xuyên chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Lenin vạch rõ thời kỳ đấu tranh hòa bình đã chấm dứt, các lực lượng cách mạng ở nước Nga phải tích cực chuẩn bị để tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Vào đầu mùa thu năm 1917, sau thất bại của cuộc đảo chính Kornilov, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga trở nên trầm trọng hơn. Tại thủ đô, tình trạng thất nghiệp, thiếu hụt nhiên liệu và thực phẩm, cùng với lạm phát ngày càng tồi tệ. Đối với đa số người dân, điều kiện sống ngày càng suy giảm, trong khi Chính phủ lâm thời dường như chỉ thực hiện các biện pháp quản lý đơn thuần.​ Giữa cuộc khủng hoảng này, uy tín của Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Aleksandr Kerensky, sụp đổ: phe cánh hữu cho rằng ông đã phản bội Kornilov, còn phe cánh tả và quần chúng ở thủ đô lại coi ông là đồng lõa trong âm mưu phản cách mạng. Thất bại của Kornilov chủ yếu mang lại lợi ích cho Đảng Bolshevik, nhưng thực tế tâm lý quần chúng lại nghiêng về việc thành lập một chính phủ Xô viết mới tập hợp các dòng tư tưởng xã hội chủ nghĩa khác nhau, chứ không phải một chính quyền chỉ do Đảng Bolshevik nắm giữ. Xu hướng này được phản ánh trong vô số nghị quyết được thông qua sau thất bại của Kornilov.5

Sự cực đoan hóa của quần chúng được phản ánh qua việc phe ôn hòa mất quyền kiểm soát các Xô viết quan trọng trên khắp đất nước. Xô viết Moskva rơi vào tay những người Bolshevik vào ngày 5 tháng 9 (lịch Julian), trong khi Xô viết Petrograd cũng chuyển sang sự kiểm soát của họ vào ngày 25 tháng 9 (lịch Julian), sau nhiều thất bại liên tiếp của phe ôn hòa trong các cuộc bỏ phiếu.​ Trotsky, vừa được thả khỏi nhà tù, đã được bầu làm Chủ tịch Xô viết thủ đô.​ Hơn một trăm Xô viết trên khắp đất nước yêu cầu Ủy ban Chấp hành Trung ương Toàn Nga (VTsIK) — khi đó vẫn do những người xã hội chủ nghĩa ôn hòa kiểm soát — giành lấy chính quyền, trong khi tại các địa phương quan trọng khác, những người Bolshevik cũng giành được đa số trong các Xô viết địa phương.​ Hạm đội Baltic, lực lượng quân sự quan trọng gần thủ đô, thể hiện rõ sự phản đối đối với Kerensky. Nông dân ở khu vực Petrograd bầu một đại diện Bolshevik tham dự Hội nghị Dân chủ sắp tới. Ở các thành phố lớn, sự ủng hộ dành cho những người Bolshevik gia tăng đáng kể.

Tại Hội nghị Dân chủ được triệu tập ngay sau đó để thảo luận về vấn đề chính phủ nào nên thay thế chính phủ lâm thời được Kerensky thành lập trong cuộc đảo chính, Đảng Bolshevik tiếp tục bảo vệ quan điểm chấm dứt mọi liên minh với các thành phần tư sản và thành lập một chính phủ hoàn toàn theo đường lối xã hội chủ nghĩa, quan điểm này được Kamenev và Trotski ủng hộ. Mặc dù có sự khác biệt giữa hai người — Trotsky coi chính phủ mới là bước đầu tiên để chuyển giao quyền lực cho các Xô viết, trong khi Kamenev coi đó là cách để đảm bảo việc triệu tập Hội nghị Lập hiến — cả hai vẫn tin tưởng vào khả năng đẩy mạnh cách mạng bằng các phương pháp hòa bình.​ Quan điểm này, vốn được Lenin ủng hộ trước đó, đã bị lung lay nghiêm trọng khi ông bất ngờ thay đổi thái độ trong hai bức thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bolshevik vào ngày 15 tháng 9 (theo lịch Julian) / 28 tháng 9 (theo lịch Gregory), trong đó ông bác bỏ đường lối ôn hòa và kêu gọi một cuộc nổi dậy ngay lập tức.​ Ban Chấp hành Trung ương, ngạc nhiên trước lập trường mới này, quyết định phớt lờ yêu cầu của Lenin và giữ bí mật về quan điểm của ông để không làm suy yếu tinh thần hòa giải giữa các phe xã hội chủ nghĩa, vốn đã được củng cố sau cuộc đối đầu với Kornílov.

Trước sự phản đối của đa số thành viên Ban Chấp hành Trung ương Bolshevik về việc chấp nhận yêu cầu của ông về việc tiến hành một cuộc khởi nghĩa vũ trang và nắm quyền lực, Lenin đã đệ đơn từ chức khỏi Ban Chấp hành Trung ương, nhưng việc này không có hiệu lực. Vào giữa tháng 10, ông đã đẩy mạnh chiến dịch ủng hộ việc giành quyền lực ngay lập tức, cả trong nội bộ đảng lẫn trong quần chúng, thông qua nhiều bài viết biện minh cho lập trường của mình dựa trên tình hình quốc gia và quốc tế (sự gia tăng ủng hộ dành cho phe Bolshevik, tình trạng cách mạng sôi sục ở nông thôn, các cuộc bạo động trong quân đội Đức, v.v.).

Quyết định cuối cùng của Hội nghị cho phép Kerensky thành lập một chính phủ mới với sự tham gia của các bộ trưởng từ đảng Kadet​ và các nhóm tự do khác đã không khiến Ban Chấp hành Trung ương đáp lại lời kêu gọi của Lenin về việc nổi dậy ngay lập tức chống lại chính phủ đó, nhưng buộc họ phải suy nghĩ lại về lập trường của mình. Sau khi nỗ lực thành lập một chính phủ xã hội chủ nghĩa tại Hội nghị thất bại, đa số thành viên Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu đặt hy vọng vào việc đạt được mục tiêu này tại Đại hội Xô viết sắp tới. Đối với những người cực đoan, đại hội có thể chuyển giao quyền lực cho một chính phủ cánh tả sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp triệt để. Đối với những người Bolshevik ôn hòa hơn, chính phủ lâm thời mới này sẽ đảm bảo việc bầu cử và triệu tập Hội nghị Lập hiến. Xô viết Petrograd đã lên án Hội đồng Bộ trưởng mới là "Chính phủ của một cuộc nội chiến", từ chối ủng hộ nó và tuyên bố rằng Đại hội Xô viết sắp tới sẽ thành lập một chính phủ "thực sự cách mạng". Phái đoàn Bolshevik đã rời khỏi Hội nghị Dự bị Quốc hội, bắt đầu chiến dịch vận động ủng hộ việc thành lập một chính phủ mới và lên án Kerensky cùng những người ủng hộ ông.16​

Chuẩn bị

sửa

Trung ương Đảng Bolshevik và thiếu tổ chức

sửa

Mặc cho lời kêu gọi cướp chính quyền ngay tức khắc của Vladimir Lenin, các báo cáo hiện tại cho thấy công nhân và binh sĩ mới chỉ ủng hộ sự chuyển giao quyền lực về tay các xô-viết, chứ chưa hẳn là muốn chính biến. Điều này​ khiến giới lãnh đạo Bolshevik phải chuyển hướng sang việc đảm bảo cho Đại hội Xô viết II diễn ra tốt đẹp, và hy vọng là sẽ thuyết phục thành công các xô-viết chuyển giao quyền lực cho họ.

Chính phủ Lâm thời Nga

sửa

Trước thềm Đại hội II Xô viết toàn Nga

sửa

Tương quan lực lượng

sửa
 
Hồng Vệ binh ở Petrograd

Trong khi Chính phủ dựa phần lớn sức mạnh của mình vào các thiếu sinh quân và ba trung đoàn Cossack đóng tại thủ đô, thì Đảng Bolshevik lại trông cậy vào sức mạnh của Hồng Vệ binh, thủy thủ và binh sĩ.[13]

Diễn biến ở Petrograd

sửa

Đóng cửa nhà in và đụng độ mở màn

sửa
 
Thủ tướng Chính phủ Lâm thời Nga, Aleksandr Kerensky

Tầm 3 giờ đêm ngày 5 tháng 11 [lịch cũ 23 tháng 10] – rạng sáng ngày 6 tháng 11 [lịch cũ 24 tháng 10], do chưa nhận được hồi âm từ Ủy ban Quân sự Cách mạng, Kerensky và nội các chính phủ tại Cung điện Mùa Đông bèn phê duyệt lệnh bắt khẩn cấp một số thủ lĩnh của Ủy ban, đồng thời hạ lệnh cho đóng cửa hai nhà in Rabochi PutSoldat của Đảng Bolshevik.[14] Tướng Bagratuni điện báo tới các trường quân sự ở Petrograd, các trường sĩ quan ở PeterhofGatchina, hạ lệnh điều động thiếu sinh quân đến Quảng trường Cung điện để nhận chỉ thị; đồng thời yêu cầu các đơn vị quân lân cận, bao gồm đoàn pháo binh ngựa kéo Pavlovsk, trung đoàn súng trường Tsarskoe Selo, và Tiểu đoàn Xung kích Phụ nữ Levashova, khẩn trương tiến vào thủ phủ.[15] Hiểu rằng nước đi này sẽ làm dậy sóng chính trường, Kerensky dự tính phân trần sự vụ ở Nghị viện ngay ngày hôm đó.[16]

Tầm 5 rưỡi sáng, một toán thiếu sinh quân của chính phủ ập vào xưởng in hai tờ báo Bolshevik trên Phố Konnogvardeiskaya, phá hoại trang thiết bị, tịch thu ấn phẩm, niêm phong cơ sở và cho người canh giữ bên ngoài.[17] Nhân viên tại đây vội vã chạy sang Viện Smolny – trụ sở của Xô viết Petrograd, Ủy ban Quân sự Cách mạng và Đảng Bolshevik – để báo cáo vụ việc.[18] Một cuộc họp khẩn bao gồm đại biểu của Xô-viết, Ủy ban Quân sự Cách mạng, Đảng Bolshevik và phái Cách mạng Xã hội chủ nghĩa cánh tả, ngay lập tức được triệu tập; họ quy kết hành động của chính phủ là phản cách mạng và loan tin về động thái tiến quân rất đáng nghi hướng về thủ phủ.[19] Bộ chỉ huy Ủy ban Quân sự Cách mạng truyền đi "Chỉ thị 1", khuyến cáo các đơn vị đề cao cảnh giác, sẵn sàng tác chiến.[20] Bất chấp mong muốn của một bộ phận Ủy ban Quân sự Cách mạng và Đảng Bolshevik, ý kiến nổi dậy ngay tức khắc để cướp chính quyền bị bác bỏ, thay vào đó chủ trương hiện thời chỉ nhằm bảo toàn Đại hội Xô viết.[21]

 
Thiết giáp xa của công nhân Hồng Vệ binh đỗ trước Viện Smolny

Tầm 10 giờ sáng, Kerensky thông cáo cho các bộ trưởng về những biện pháp đã được thi hành nhằm trấn áp Đảng Bolshevik và duyệt lại bài phát biểu trước khi trình bày tại Nghị viện.[22] Vị thủ tướng vẫn tự tin rằng mọi chuyện đang nằm trong tầm kiểm soát; trên thực tế, dân quân của thành phố đã bất tuân lệnh bắt giữ các ủy viên thân Bolshevik trong Ủy ban Quân sự Cách mạng.[22] Cùng ngày, Kerensky đốc thúc thuyên chuyển binh lính thân Chính phủ từ tiền tuyến về thủ đô, hạ lệnh khai trừ ngay lập tức các chính ủy bên trong Ủy ban Quân sự Cách mạng và cấm các doanh trại tự ý điều quân trừ khi có lệnh trực tiếp từ Quân khu Petrograd, song những biện pháp này hầu như đều bất thành.[23] Suốt sáng đến đầu giờ chiều, khá rõ ràng rằng phần lớn dân quân trong thành phố đang tuân lệnh của Xô viết Petrograd chứ không phải của Chính phủ Lâm thời.[23] Hai phe cáo buộc nhau là phản cách mạng và đều tự xưng là chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Hai.[24]

Vào buổi chiều, tin đồn lan truyền rằng, quân chi viện của Chính phủ Lâm thời, hoặc là đã đào ngũ sang Ủy ban Quân sự Cách mạng, hoặc là đã bị chặn đường tiến bởi những người ủng hộ Bolshevik cách xa thành phố.[25] Thủy thủ tuần dương hạm Rạng Đông, bấy giờ đang neo đậu ở hải cảng Pháp – Áo trên sông Neva gần Cung điện Mùa Đông, đã nổi dậy chống sĩ quan chỉ huy và nắm quyền kiểm soát con tàu trước khi nó được lệnh ra khơi.[26] Chính phủ Lâm thời hiện chỉ nắm giữ vài ngàn binh lính trung thành bên trong thành phố – hầu hết là sĩ quan, quân Cossack, thiếu sinh quân và một tiểu đoàn phụ nữ – thất thế trầm trọng khi so với đối phương.[27] Vào buổi trưa, khoảng 200 binh lính đã tập kết tại Quảng trường Cung điện, hội họp với 68 thiếu sinh quân từ Học viện Pháo binh Mikhailovsk hai tiếng sau.

Sự yếu kém của Chính phủ Lâm thời

sửa
 
Leon Trotsky, nhân tố quan trọng của chính biến Petrograd.

Vào buổi trưa, Nghị viện Lâm thời được triệu tập bởi Nikolai Avksentiev.[28] Tại phiên họp này, Kerensky đề xuất được trao đổi đặc biệt với nghị viện.[29] Trong bài diễn văn kéo dài một tiếng đồng hồ,[28] ông tìm kiếm sự ủng hộ của toàn bộ hội trường sau khi thuật lại các sự kiện trong vài ngày qua, song rốt cuộc phải thất vọng trước sự khước từ thẳng thừng,[30] ngay cả khi phe cánh tả cấp tiến vắng mặt.[31]

Lenin đã tới và Xô-viết đoạt quyền

sửa

Tiếp quản Cung điện Mùa Đông

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ công nhân đã thông qua một nghị quyết ủng hộ yêu cầu của những người Bolshevik về việc chuyển giao quyền lực cho các Xô Viết.[1][2]
  2. ^ tiếng Nga: Октябрьская революция, đã Latinh hoá: Oktyabrskaya revolyutsiya, IPA: [ɐkˈtʲabrʲskəjə rʲɪvɐˈlʲutsɨjə].
  3. ^ tiếng Nga: Великая Октябрьская социалистическая революция, đã Latinh hoá: Velikaya Oktyabrskaya sotsialisticheskaya revolyutsiya, IPA: [vʲɪˈlʲikəjə ɐkˈtʲabrʲskəjə sətsɨəlʲɪˈsʲtʲitɕɪskəjə rʲɪvɐˈlʲutsɨjə].
  4. ^ Tuy nhiên, Stalin vẫn sử dụng thuật ngữ cho đến tác phẩm cuối cùng của mình, được viết vào đầu những năm 1950. — I.V. Stalin. Chủ nghĩa Marx và các vấn đề ngôn ngữ học.
  5. ^ Ví dụ, cụm từ “Đảo chính tháng Mười” thường được sử dụng trong tạp chí Liên minh Quốc gia Đoàn kết Nga “Posev”. [1] Được lưu trữ ngày 5 tháng 10 năm 2008 tại Wayback Machine

Tham khảo

sửa
  1. ^ Head, Michael (12 tháng 9 năm 2007). Evgeny Pashukanis: A Critical Reappraisal. Routledge. ISBN 978-1-1353-0787-5.[cần số trang]
  2. ^ Shukman 1994, tr. 21 The Workers: February–October 1917 .
  3. ^ “Russian Revolution”. HISTORY. 9 tháng 11 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2023.
  4. ^ Shchukina T. V Социал-демократия осенью 1917 года. Ростов-на-Дону, Новочеркасск, Донская область // Giả thiết
  5. ^ V. I. Lênin Toàn tập. — Tập 35. — Tr. 2.
  6. ^ V. I. Lênin Toàn tập. — Tập 37. — Tr. 508.
  7. ^ Tuyên ngôn của phe RSDLP (Bolshevik), được công bố tại phiên họp Quốc hội Lập hiến. Ngày 5 (18) tháng 1 năm 1918 // V. I. Lênin Toàn tập. — Tập 35. — Tr. 227.
  8. ^ “Kho ngữ liệu quốc gia tiếng Nga”. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2008.
  9. ^ V. I. Lênin Toàn tập. — Tập 35. — Tr. 377 - Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Chấp hành Trung ương Toàn Nga ngày 24 tháng 2 năm 1918.
  10. ^ “Kho ngữ liệu quốc gia tiếng Nga”. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2008.
  11. ^ Iosif Vissarionovich Stalin Logic của sự vật”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2008.
  12. ^ Anatoly Butenko Sự thật và dối trá về các cuộc cách mạng năm 1917 Được lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2012 tại Wayback Machine // Nghiên cứu Xã hội học. — 1997. — № 2. — С. 40.
  13. ^ Daniels 1997, tr. 108.
  14. ^ Chamberlin 1976, tr. 308; Daniels 1997, tr. 132; Rabinowitch 2017, tr. 420; Wade 2017, tr. 231.
  15. ^ Rabinowitch 2017, tr. 420.
  16. ^ Rabinowitch 2017, tr. 421.
  17. ^ Chamberlin 1976, tr. 308; Daniels 1997, tr. 133; Wade 2017, tr. 232.
  18. ^ Daniels 1997, tr. 133; Wade 2017, tr. 232.
  19. ^ Wade 2017, tr. 232.
  20. ^ Rabinowitch 2017, tr. 423.
  21. ^ Wade 2017, tr. 232-233.
  22. ^ a b Daniels 1997, tr. 136.
  23. ^ a b Rabinowitch 2017, tr. 429.
  24. ^ Wade 2017, tr. 233.
  25. ^ Rabinowitch 2017, tr. 430; Wade 2017, tr. 232.
  26. ^ Chamberlin 1976, tr. 308; Rabinowitch 2017, tr. 429-430.
  27. ^ Chamberlin 1976, tr. 308.
  28. ^ a b Daniels 1997, tr. 137.
  29. ^ Daniels 1997, tr. 138; Rabinowitch 1978, tr. 256.
  30. ^ Chamberlin 1976, tr. 309; Rabinowitch 1978, tr. 257.
  31. ^ Wade 2000, tr. 234.

Thư mục

sửa
  • Chamberlin, William Henry (1976). The Russian Revolution, 1917-1921: From the Overthrow of the Czar to the Assumption of Power by the Bolsheviks [Cách mạng Nga, 1917-1921: Từ cuộc lật đổ Sa hoàng đến sự nắm quyền của Đảng Bolshevik] (bằng tiếng Anh). New York, Hoa Kỳ: Grosset & Dunlap. ISBN 9780448001883.
  • Corney, Frederick (2018). Telling October: Memory and the Making of the Bolshevik Revolution [Tháng Mười ấn tượng: Ký ức và sự kiến tạo Cách mạng Bolshevik] (bằng tiếng Anh). Hoa Kỳ: Nhà xuất bản Đại học Cornell. ISBN 1501727036.
  • Daniels, Robert Vincent (1997). Red October: the Bolshevik Revolution of 1917 [Tháng Mười Đỏ: Cách mạng Bolshevik 1917] (bằng tiếng Anh). Boston, Hoa Kỳ: Beacon Press. ISBN 9780807056455.
  • Engelstein, Laura (2018). Russia in Flames: War, Revolution, Civil War, 1914–1921 [Nước Nga chìm trong lửa: Chiến tranh, Cách mạng, Nội chiến, 1914–1921] (bằng tiếng Anh). Oxford, Anh: Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 9780199794218.
  • Figes, Orlando (2017). A People's Tragedy: The Russian Revolution, 1891–1924 [Bi kịch của nhân dân: Cách mạng Nga, 1891-1924]. Anh: Random House UK. ISBN 9781847924513.
  • Fitzpatrick, Sheila (2017). The Russian Revolution [Cách mạng Nga]. Oxford, Anh: Nhà xuất bản Đại học Oxford. ISBN 9780198806707.
  • Rabinowitch, Alexander (2017). The Bolsheviks Come to Power: The Revolution of 1917 in Petrograd [Đảng Bolshevik lên nắm quyền: Cách mạng 1917 ở Petrograd] (bằng tiếng Anh). Chicago, Hoa Kỳ: Haymarket Books. ISBN 9781608467938.
  • Smith, Stephen Anthony (1985). Red Petrograd: Revolution in the Factories, 1917-1918 [Petrograd Đỏ: Cách mạng trong nhà máy, 1917-1918] (bằng tiếng Anh). Cambridge, Anh: Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 9780521316187.
  • Wade, Rex A. (2017). The Russian Revolution, 1917 [Cách mạng Nga, 1917] (bằng tiếng Anh). Cambridge, Anh: Nhà xuất bản Đại học Cambridge. ISBN 9781107571259.

Liên kết ngoài

sửa